Để chuyển đổi số ngày càng đi vào cuộc sống
Quá trình chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ, mang đến nhiều tiện ích cho các cơ quan, đơn vị và người dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là tiền đề, động lực để tỉnh Kon Tum triển khai ngày càng sâu rộng, toàn diện, hiệu quả công tác chuyển đổi số.
|
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng. Hạ tầng công nghệ thông tin được mở rộng với 100% các xã có mạng cáp quang phủ đến trung tâm và khoảng 60% hộ gia đình; 75,5% dân số trưởng thành có điện thoại di động thông minh. Hệ thống phần mềm dùng chung bảo đảm tập trung, thông suốt, đáp ứng yêu cầu điều hành của chính quyền các cấp trên môi trường số. Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh đã cập nhật 47 bộ dữ liệu của 21 cơ quan, đơn vị đảm bảo cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và doanh nghiệp.
|
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối, chia sẻ dữ liệu với 14 hệ thống của các bộ, ngành, Trung ương. Hiện nay, thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt 81,03%…
Ông Nguyễn Trọng Tâm – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của các cơ quan, đơn vị mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số đã giúp quảng bá sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới, xây dựng hệ thống y tế thông minh, giáo dục mở, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nông nghiệp hiện đại. Chuyển đổi số giúp người dân, nhất là người DTTS dễ dàng tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật, khoa học – kỹ thuật, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao chất lượng sống.
Trong lĩnh vực y tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã hỗ trợ tích cực vào hoạt động khám, chữa bệnh, giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip, phần mềm VneID thay thế thẻ BHYT và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Đặc biệt, các cơ sở đã thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử lên hệ thống đơn thuốc quốc gia, triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi số cũng đang góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp dạy và học. Hiện, ngành Giáo dục đã hoàn thành việc xây dựng và thẩm định kho học liệu số giai đoạn 2 với 866 bài giảng E-Learning cấp trung học và 745 bài giảng E-Learning cấp Tiểu học để phục vụ việc dạy học trực tuyến.
Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã đang từng bước triển khai ứng dụng phần mềm quản lý, phát triển thương mại điện tử để thích nghi với xu thế mới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Tâm, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, thách thức. Đó là, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của tỉnh vẫn ở nhóm thấp của cả nước; tỷ lệ tái sử dụng lại dữ liệu số hóa trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính còn thấp. Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục và trong khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng VneID thay thế thẻ BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh chưa nhiều. Cơ sở dữ liệu các ngành còn phân tán, việc kết nối, chia sẻ còn gặp nhiều vướng mắc. Một bộ phận người dân vẫn còn e ngại, chưa quen với các nền tảng công nghệ; doanh nghiệp nhỏ thiếu nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.
Để chuyển đổi số ngày càng đi sâu vào cuộc sống và mang lại những giá trị thiết thực hơn, ông Nguyễn Trọng Tâm cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu phục vụ yêu cầu hoạt động chỉ đạo, điều hành; tập trung nguồn lực số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao tỷ lệ tái sử dụng lại dữ liệu số hóa trong giải quyết hồ sơ. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chuyển đổi số. Phát huy tốt vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng tại cơ sở.
Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số; triển khai hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Việc đẩy nhanh, đưa chuyển đổi số đi sâu vào cuộc sống chính là chìa khóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh và thúc đẩy phát triển bền vững.
Thiên Hương