Đất nước trọn niềm vui
Buổi sáng, không gian quán cà phê trên một hẻm nhỏ ở thành phố Kon Tum rực rỡ sắc cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Những lá cờ trên cao rạng ngời trong nắng sớm, vừa rực rỡ, vừa trang nghiêm. Chủ quán, một thanh niên chưa tới 30 tuổi, đang giúp một số bạn trẻ khác chụp ảnh dưới cờ bay.
|
Để ý quan sát một chút sẽ thấy có 5 đường cờ tất cả, từ 5 hướng tụ về trung tâm. Hẳn là chủ quán trẻ tuổi cố ý sắp xếp như thế. 5 đường cờ kia chẳng phải là nói về 5 cánh quân tiến đánh Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng Tư năm 1975 hay sao?
Chợt thấy rộn rã niềm vui khi giới trẻ đang tái hiện lại một phần lịch sử theo cách riêng trẻ trung, sáng tạo và đầy tự hào. Lịch sử không xa, nó đang hiện diện trong từng sắc cờ, từng ánh mắt ấy.
50 năm trước, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, tháng 3/1975, quân và dân cả nước bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với khí thế ngùn ngụt: “Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng/ Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên/ Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi một màu tang cờ trắng” (Toàn thắng về ta- Tố Hữu).
Chiến công nối tiếp chiến công. Trước diễn biến “một ngày bằng hai mươi năm”, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
17 giờ ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. 5 binh đoàn chủ lực của Quân giải phóng chia thành 5 hướng cùng lúc tiến công vào trung tâm thành phố Sài Gòn - Gia Định.
Khi 5 cánh quân lấm láp bụi đường tiến về Sài Gòn trong ánh nắng phương Nam chói chang, nhiều hãng thông tấn nổi tiếng thế giới dự báo rằng: giờ cáo chung của Ngụy quyền Sài Gòn đã điểm.
Đúng 11 giờ 30 phút, ngày cuối cùng của tháng 4/1975, xe tăng của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 (Quân đoàn 2) húc đổ cổng sắt tiến vào Dinh Độc Lập, và cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh. Giờ này, ngày này, năm này trở thành một trong những thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử đất nước, dân tộc.
Tờ New York Times ra ngày 1/5/1975 đã gọi ngày 30/4/1975 là “ngày lịch sử của thế giới”. Còn hãng thông tấn AFP khẳng định: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30 tháng 4 của Việt Nam, dư chấn rung động địa cầu”. Alain Rusco- nhà sử học nước Pháp đánh giá: “Sự kiện 30/4/1975 ở Việt Nam gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù”.
Cả nước trào dâng niềm hạnh phúc tột cùng, niềm vui sướng vô biên của triệu, triệu người Việt Nam trong giờ phút lịch sử. Như nhà thơ Tố hữu đã sung sướng reo lên: “Ôi! Nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/Trào vui nước mắt cứ rưng rưng/Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy/Dồn dập tim ta trăm trận thắng tưng bừng” (Toàn thắng về ta- Tố Hữu).
Phải trải qua ba mươi năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy hy sinh gian khổ mới có được niềm vui toàn thắng. Và kỳ diệu thay, làm nên ngày toàn thắng là đoàn quân áo vải, mũ tai bèo “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; là những chịu đựng mất mát, hy sinh trong thầm lặng, trong vô danh của bao người, từ hậu phương đến tiền tuyến.
Trong đội hình quân giải phóng trùng trùng điệp điệp vượt qua mưa bom bão đạn tiến về Sài Gòn năm ấy có chú tôi- chiến sĩ Lê Hồng Cứ, chiến đấu trong đội ngũ Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1).
Nhiệm vụ của cánh quân này là tiến theo hướng Bắc, bao vây tiêu diệt đối phương ở Phú Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên; ngăn chặn Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa rút về nội đô và vô hiệu hóa đơn vị này; đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa, các bộ tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp, Bình Thạnh; tổ chức một lực lượng tấn công hợp điểm với các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập.
Chú kể rằng, trên đường hành quân, bộ đội ta nhận được mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mọi người càng thêm quyết tâm, thêm sục sôi ý chí xốc tới giải phóng Sài Gòn.
Do phải hành quân gấp từ miền Bắc vào bằng mọi phương tiện thủy, bộ và đường không nên Quân đoàn 1 bắt đầu tấn công chậm một ngày so với các đơn vị khác. Nhưng với tinh thần quả cảm, không ngại hy sinh, thần tốc, táo bạo, bộ đội ta đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu, đánh tan cụm phòng thủ phía Bắc Sài Gòn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Những mục tiêu quan trọng cuối cùng trong nội đô Sài Gòn được giao cho Quân đoàn 1 chiếm lĩnh đều được giải quyết trong ngày 30/4.
Để đến với Sài Gòn sáng 30/4/1975, ông và đồng đội đã vượt qua bao nhiêu cung đường, qua bao giới hạn, qua bao địa hình, qua bao số phận. Một hành trình dài qua biết bao hy sinh, từ hậu phương tới chiến trường, từ rừng núi xuống đồng bằng, từ vùng ven vào thành phố.
Ngày hòa bình đầu tiên, đơn vị ông ăn cơm chiều trong một gian lều ở sân trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa, một bữa cơm dã chiến, với “tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu - Xích còn vương đỏ đất Phan Rang”.
Để có được ngày đất nước trọn niềm vui ấy, biết bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đang phơi phới ước mơ, hoài bão học tập, cống hiến đã lên đường, đem theo thanh xuân và lòng căm thù giặc, tình nguyện ra chiến trường, vượt qua muôn ngàn gian khổ, hy sinh; đạp bằng mọi lô cốt, bãi mìn, hàng rào thép gai quét sạch giặc thù.
Biết bao bà mẹ Việt Nam đã gác niềm riêng gửi con mình cho Tổ quốc; bao người mẹ, người vợ, người con chịu đựng nỗi đau mất mát trong thầm lặng vì người thân đã ngã xuống. Nhiều người được đón về quê hương, nhưng cũng còn không ít người còn ở chiến trường xưa, thân xác gửi vào lòng đất mẹ.
Nhân dân ta, Tổ quốc ta đời ghi ơn những người đã ngã xuống vì sự nghiệp thống nhất, để đất nước trọn niềm vui!
Thành Hưng