Chuyện kế hoạch hóa gia đình ở Đăk Tân
Trong những năm trước đây tình trạng phụ nữ sinh nhiều con ở thôn Đăk Tân, xã Sa Nghĩa (huyện Sa Thầy) khá phổ biến; không ít bà mẹ tuổi chưa quá 40 nhưng có đến hơn 10 người con. Trước thực trạng trên, chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội ở xã Sa Nghĩa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây trong việc sinh con.
Thôn Đăk Tân cách trung tâm xã Sa Nghĩa gần 20 km, là thôn có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trước đây, nhận thức của người dân ở thôn Đăk Tân về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình có nhiều hạn chế. Bởi lẽ, bà con còn lưu giữ một số phong tục, tập quán lạc hậu; quan niệm gia đình đông con, nhiều cháu mới có phúc và phải có đông con trai, con gái trong nhà mới vui và có lực lượng lao động. Đặc biệt, tình trạng thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sinh nhiều con vẫn tồn tại trong cộng đồng dân cư, tạo áp lực về kinh tế, kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn càng rơi vào “vòng luẩn quẩn của nghèo đói”, dẫu gia đình cố gắng làm lụng vẫn không thể thoát nghèo bền vững.
Bà Y Ver ở thôn Đăk Tân năm nay chưa đầy 50 tuổi nhưng có đến 13 người con, vì vậy trông già nua, ốm yếu hơn rất nhiều so với số tuổi của mình. Do liên tục “sinh nở” nên mọi gánh nặng cơm áo cho 15 miệng ăn trong gia đình gần như chỉ do người chồng tên A Khuyl gánh vác. Quanh năm hết làm rẫy rồi đi làm thuê, nhưng nhiều khi gia đình vẫn không đủ ăn.
Không riêng gì gia đình bà Y Ver, nhiều gia đình khác trong thôn cũng có trên 10 người con như gia đình bà Y Byải mới 43 tuổi nhưng đã có tới 12 người con. Gia đình bà Y Prah cũng có 13 người con; gia đình bà Y Byung, Y Bek, Y Thao nhà nào cũng có từ 10 người con trở lên.
Bà Y Ver cho biết, tôi biết đẻ nhiều con khổ lắm, nhưng trước đây vợ chồng tôi vẫn cứ muốn đẻ cho đông vui. Con đông chồng tôi làm quần quật cả ngày rất vất vả nhưng nhiều khi vẫn không lo đủ cái ăn, cái mặc cho gia đình. Trước đây tôi nghĩ sinh 10 đứa con là đủ rồi, nghĩ là vậy nhưng vợ chồng tôi vẫn muốn tiếp tục đẻ nữa nên đến nay đã 13 đứa rồi. Nhờ trưởng thôn và cán bộ dân số kiên trì đến nhà tuyên truyền vận động, giải thích nguyên nhân gia đình tôi đói nghèo nên vợ chồng tôi hứa từ nay sẽ không đẻ nữa và dùng các biện pháp tránh thai theo hướng dẫn của cán bộ y tế xã.
|
Ông A Jap, trưởng thôn Đăk Tân cho biết, thôn thành lập từ năm 2020 trên cơ sở sáp nhập từ thôn Nghĩa Tân và thôn Đăk Tăng. Xác định công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng nhất để làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đối với chị em phụ nữ về công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình nên chính quyền và các đoàn thể chính trị của xã Sa Nghĩa tích cực đẩy mạnh triển khai trong những năm gần đây.
“Khoảng 3 năm trở lại đây, xã Sa Nghĩa đã lồng ghép việc thực hiện công tác này trong các hương ước, quy ước của làng về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong xây dựng nông thôn mới; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, cử cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số đến từng hộ gia đình tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số”- ông A Jap cho biết.
Hàng năm, Hội LHPN huyện Sa Thầy chọn thôn Đăk Tân để ra quân tuyên truyền và xây dựng mô hình phụ nữ không sinh con thứ 3; tuyên truyền về những hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống, về mất cân bằng giới tính, bình đẳng giới, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại… Nhờ đó, nhận thức của người dân về công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình ngày càng được nâng lên; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ luôn ý thức về khoảng cách sinh và sinh con đúng chính sách dân số.
Hơn 2 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm đáng kể. Nhờ vậy, nhiều gia đình có điều kiện tốt hơn để chăm sóc, dạy dỗ con em, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường.
Có thể thấy, nhờ chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị ở xã Sa Nghĩa triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nên đã làm thay đổi nếp nghĩ đối với người dân thôn Đăk Tân về vấn đề dân số theo hướng tiến bộ, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số, tạo điều kiện để địa phương ngày càng phát triển.
Bảo Châu