Chuyển đổi số
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, việc chuyển đổi số đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia, châu lục. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ban hành các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, trong đó xác định cụ thể từng bước đi, lộ trình phát triển đến năm 2025, 2030. Theo đó, tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Trong phạm vi bài viết này cung cấp một số thông tin cơ bản, sơ lược về số hóa và chuyển đổi số.
Số hóa - nền tảng ban đầu thực hiện chuyển đổi số
Chỉ cần nhập dòng chữ “số hóa là gì” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ vỏn vẹn thời gian 0,35 giây đã xuất hiện khoảng 338 triệu thông tin liên quan đến số hóa. Nhiều khái niệm, định nghĩa khác nhau liên quan đến số hóa, nhưng có thể hiểu một cách đơn giản, số hóa là một bước chuyển mọi thông tin trước đây được lưu trữ trên bản giấy, băng đĩa… sang dạng kỹ thuật số, là một quá trình quan trọng trong việc chuyển đổi số.
Thực hiện số hóa bao gồm 2 công đoạn, đó là số hóa dữ liệu và số hóa quy trình. Số hóa dữ liệu là chuyển toàn bộ dữ liệu sang dạng kỹ thuật số được lưu trữ trên các thiết bị số, việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số... Số hóa quy trình là toàn bộ quy trình khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu được thực hiện trên quy trình vận hành nhờ sự hỗ trợ các phần mềm máy tính, giúp cải thiện quy trình vận hành, khai thác các dữ liệu đã được chuyển sang dạng số phục vụ dùng chung trong cơ quan, công sở.
Trong những năm gần đây, nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực đã và đang thực hiện số hóa một cách khẩn trương, quyết liệt, rõ nét, nhất là việc thực hiện số hóa trong xử lý các văn bản, thủ tục hành chính. Hàng loạt các văn bản hành chính, các giấy tờ liên quan đã được các cơ quan chức năng scan sang định dạng bản số phục vụ lưu trữ vĩnh viễn và dùng chung. Khi thiết lập phần mềm quản lý và tra cứu văn bản, ai cũng có thể dễ dàng tìm kiếm, tra cứu thông tin văn bản, hình ảnh… được lưu trữ, bảo quản trên các thiết bị số nên không bị mối, ẩm mốc như các bản giấy… Các đây khoảng vài năm, dễ dàng phát hiện các bưu tá vận chuyển một thùng hàng đầy ắp các thư từ, sách, báo, công văn… đến các cơ quan, công sở. Ngày nay, chỉ cần một máy tính kết nối internet, nhân viên văn thư, lưu trữ dễ dàng chuyển văn bản đến khắp các tỉnh, thành chỉ trong vài giây. Đây là phép màu từ những tiến bộ vượt bậc, những thành tựu khoa học và công nghệ; nhờ đó, công chức, viên chức và người lao động công tác trong các cơ quan, đơn vị không còn phải miệt mài ngòi bút trên các trang giấy, chỉ cần một máy tính xách tay, máy tính bảng có thể soạn thảo, lưu trữ cả một kho tư liệu khổng lồ.
Bên cạnh đó, việc đưa vào ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử đã giảm bớt hàng loạt các trình tự, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và gần như tức thời phát hành văn bản đến các tổ chức, đơn vị liên quan. Nhờ thực hiện số hóa mạnh mẽ, nhiều đơn vị, cơ quan thành lập văn phòng không giấy, quản lý và điều hành công việc ở công sở trôi chảy, năng suất, hiệu quả mà không cần có mặt ở cơ quan, đơn vị…
|
Tính đến cuối tháng 9/2021, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh Kon Tum đã cung cấp trên 1.000 dịch vụ công trực tuyến (270 mức độ 3, 770 mức độ 4); đã tích hợp 735 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Việc thành lập Trung tâm quản lý và điều hành thông minh, Cổng dịch vụ công đã gắn kết cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân một cách công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả quản lý xã hội cao hơn, nâng cao năng suất lao động, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đây chỉ là một trong các dẫn chứng minh họa hiệu quả, tác động rõ rệt của việc thực hiện số hóa - giai đoạn quan trọng của việc chuyển đổi số trong kỷ nguyên số ứng dụng mạnh mẽ cách mạng công nghệ thông tin lần thứ 4…
Chuyển đổi số
Chuyển đổi số là khái niệm xuất hiện khá thường xuyên của các chuyên gia, các học giả, các chính khách trao đổi trên các diễn đàn, trong các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, các địa phương. Chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, chấp nhận sự thay đổi về tư duy, nhận thức, thể chế… Theo Cẩm nang chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt việc chuyển đổi số để hình thành nên một quốc gia số, trong đó có 03 trụ cột chính, đó là xã hội số (theo nghĩa hẹp đó là công dân số và văn hóa số), cùng với chính phủ số và kinh tế số.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo lộ trình đã xác định, đến năm 2025, Việt Nam hình thành Chính phủ số, trong đó 5 nhóm mục tiêu cần đạt được, gồm: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, với các chỉ tiêu cần đạt là đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.
Trong đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. Cơ quan Nhà nước thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn...
Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xã hội số, xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân. Trong xã hội số, 3 điều kiện tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau, đem lại hiệu quả phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là quyền công dân số, cuộc sống số và thương mại số. Thực hiện quyền công dân số, chính phủ cung cấp các điều kiện cần thiết, các kênh kỹ thuật số để mọi công dân giao dịch điện tử, thực hiện các dịch vụ tiện ích thông qua hình thức trực tuyến, tăng cường tính tương tác, công khai, minh mạch thông tin giữa chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Cuộc sống số đã tác động mạnh mẽ đến đời sống thực của con người. Nhờ phát triển của điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị định vị, màn hình cảm biến, internet vạn vật …, con người giao tiếp, làm việc, vui chơi, trải nghiệm qua thực tế ảo, mô hình kinh doanh kỹ thuật số, các dự án về thành phố thông minh…
Theo Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử được tiến hành thông qua internet”. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực của ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, làm việc từ xa …). Kinh tế số có thể được hiểu khái quát là nền kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao năng suất, đem lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Một nền kinh tế bao gồm các mô hình kinh doanh và quản lý tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân có những quyết định nhanh, chính xác, đem lại hiệu quả trong quản lý, điều hành, nâng cao năng suất lao động xã hội.
|
Hòa nhịp với việc chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định mục tiêu cơ bản đến năm 2025, 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 100% hồ sơ công việc cấp huyện và 90 % hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100 % xã; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh…
Số hóa chỉ là giai đoạn ban đầu, chuyển đổi số quyết định đến toàn bộ các hoạt động xã hội trong kỷ nguyên số. Việc chuyển đổi số là tất yếu, là yêu cầu bắt buộc, tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong xu thế này, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thông tin của khán, thính giả, bạn đọc và phục vụ nhiệm vụ chính trị được phân công.
Phan Cư