Chuyển biến tích cực trong phòng chống mại dâm
Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc nào có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tệ nạn mại dâm. Đây là chuyển biến đáng kể nhất trong công tác phòng chống mại dâm năm 2020 so với các năm trước.
Trao đổi với chúng tôi, ông A Kang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2020, dưới sự chỉ đạo tích cực của UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương đã thường xuyên quan tâm triển khai và thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác phòng, chống mại dâm. Sự chuyển biến trong công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn có sự tác động lớn từ công tác tuyên truyền. Năm 2020, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức được 733 lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề về công tác phòng, chống mại dâm cho 53.843 lượt người; xây dựng 14 pano và 1.709 tờ áp phích tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm. Các cơ quan báo chí, tạp chí, trang thông tin điện tử của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm; thường xuyên đưa tin, bài về phát động phong trào toàn dân phát hiện, tố giác, tham gia đấu tranh phòng chống mại dâm ở các địa phương, đơn vị, đồng thời thông tin, tuyên truyền lồng ghép công tác phòng, chống tệ nạn xã hội vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đơn vị đã đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân đối với công tác phòng, chống mại dâm…
|
Đặc biệt, từ tháng 5/2020 Báo Kon Tum mở chuyên mục Phòng, chống mại dâm với nhiều tin, bài, phóng sự, ảnh về công tác phòng chống mại dâm của các ngành, các địa phương, đơn vị tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu về phòng chống mại dâm; tuyên truyền lồng ghép với giáo dục giới tính, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên. Ngoài ra, Báo Kon Tum còn thường xuyên đưa tin việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm. Đồng thời, phản ánh kết quả, những bất cập, hạn chế của pháp luật về phòng, chống mại dâm, cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn công tác phòng, chống mại dâm để ngành chức năng kiểm tra, xử lý.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, truyền thống văn hóa cho học sinh sinh viên; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Xây dựng và lồng ghép thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính, phòng, chống mại dâm trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh và kết hợp các hoạt động giáo dục phòng, chống mại dâm với các hoạt động phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em... gắn liền với việc xây dựng trường học an toàn, không có tệ nạn mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.
Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tăng cường công tác phòng, chống mại dâm thông qua các chương trình, hoạt động truyền thông về văn hóa, du lịch; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú thực hiện tốt công tác phòng, chống mại dâm. Sở còn lồng ghép các nội dung tuyên truyền tại các cuộc tọa đàm, hội thảo, giao ban với các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên trong ngành và vận động cán bộ, viên chức tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, phát giác, ngăn chặn với các hành vi vi phạm. Sở cũng phối hợp với các phòng chuyên môn của Công an tỉnh, Phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện phòng, chống mại dâm, đặc biệt ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ngoài công tác tuyên truyền, trong năm, Đội 178 cấp tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Phòng Cảnh sát trật tự (Công an tỉnh) thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, massage, karaoke, cắt tóc, gội đầu... nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh có biện pháp phòng ngừa không để hoạt động mại dâm xảy ra trong cơ sở mình. Thường xuyên khảo sát địa bàn trọng điểm về hoạt động mại dâm, tính chất, đặc điểm của từng địa bàn, đối tượng hoạt động để áp dụng các biện pháp đấu tranh phòng, chống cụ thể. Đồng thời, kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội; nắm chắc tình hình các địa bàn, kiểm soát chặt chẽ số đối tượng tiềm ẩn khả năng phạm tội mại dâm.
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp trên, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc nào có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tệ nạn mại dâm. Đây là chuyển biến đáng kể nhất trong công tác phòng chống mại dâm năm 2020 so với các năm trước.
Quang Định