Chủ động PCCC tại các khu nhà trọ
Trên địa bàn tỉnh, các hộ kinh doanh nhà trọ đã ý thức được tầm quan trọng của việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhất là khi Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định sau ngày 30/3/2025, các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC sẽ buộc phải dừng hoạt động.
Thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy nổ đang ở mức cao, công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là mô hình cho thuê trọ đang trở thành vấn đề được chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm.
|
Nắm rõ được tính chất cấp bách của việc thực hiện các yêu cầu PCCC, nhiều hộ dân tại thành phố Kon Tum đã chủ động triển khai các biện pháp an toàn. Ông Phạm Văn Tường, một hộ dân đang kinh doanh phòng trọ tại tổ dân phố 5, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, là một ví dụ điển hình.
Ông chia sẻ, từ khi bắt đầu kinh doanh trọ hơn hai năm trước, ông được lực lượng công an địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phòng cháy hiệu quả. Không chỉ sắm đầy đủ bình chữa cháy theo khuyến cáo, ông còn chủ động kiểm tra hệ thống điện, nước thường xuyên để hạn chế nguy cơ cháy nổ từ gốc.
“Điều tôi nghĩ đến là làm sao đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Khi có sự cố xảy ra, nếu không có thiết bị chữa cháy kịp thời thì hậu quả sẽ khó lường”- ông Tường bày tỏ.
Một trường hợp khác là gia đình ông Nguyễn Trung Thành (tổ dân phố 3, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) mới tham gia vào hoạt động kinh doanh phòng trọ khoảng bốn tháng. Mặc dù số lượng phòng không nhiều nhưng ông Thành vẫn đầu tư 5 bình chữa cháy để trang bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp.
Ông chia sẻ: Giá thuê mỗi phòng trọ chỉ 500.000 đồng/tháng, nên việc mua bình chữa cháy là khoản chi không nhỏ. Nhưng tôi nghĩ nếu không đầu tư cho sự an toàn, hậu quả còn tốn kém hơn nhiều. Mạng người là vô giá, không thể đong đếm bằng tiền được.
Theo thống kê, tỉnh hiện có hơn 1.450 cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó có khoảng 300 cơ sở kinh doanh nhà trọ và hơn 70 cơ sở vừa kinh doanh vừa cho thuê trọ; không có mô hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ. Đa số các cơ sở này nằm trong sự quản lý của chính quyền cấp xã, phường.
Để phòng ngừa các sự cố cháy, nổ xảy ra, lực lượng công an các cấp tích cực kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện PCCC. Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành 1.125 lượt kiểm tra tại các cơ sở, phát hiện 49 trường hợp có tồn tại, thiếu sót về PCCC. Hầu hết các cơ sở sau đó đều nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục theo hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Huyền- Phó trưởng Công an phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, cho biết: Chúng tôi phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ an ninh cơ sở để tổng rà soát, kiểm tra tất cả các cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là cho thuê trọ. Qua đó yêu cầu 100% các cơ sở trang bị bình chữa cháy, xây dựng phương án PCCC rõ ràng và vận động mỗi gia đình có ít nhất một bình chữa cháy trong nhà.
|
Tại phường Quang Trung (thành phố Kon Tum), công tác kiểm tra được duy trì thường xuyên. Trung úy Đinh Văn Thoại (cán bộ Công an phường Quang Trung) cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu để UBND phường tiếp tục ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ; tiếp tục hướng dẫn để các cơ sở thực hiện tốt hơn Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở không thực hiện đúng các quy định trong Chỉ thị 19.
Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn rất lớn tại các khu vực dân cư kết hợp sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sử dụng thiết bị điện không an toàn, không bảo trì định kỳ, hoặc do sự bất cẩn trong sinh hoạt, nấu nướng, đặc biệt tại các dãy nhà trọ có mật độ dân cư cao, diện tích nhỏ hẹp.
Thượng tá Hoàng Thái Chính- Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, nhà trọ và nhà nhiều tầng. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu tổ chức kiểm tra chuyên ngành, liên ngành để phát hiện, hướng dẫn và yêu cầu khắc phục các thiếu sót về PCCC và tập trung huấn luyện nâng cao kỹ năng, hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC tại cơ sở.
Để công tác PCCC thực sự hiệu quả và đi vào chiều sâu, không chỉ cần đến sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng mà còn đòi hỏi sự chủ động từ phía người dân - nhất là các hộ gia đình kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ. Ý thức phòng ngừa là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, bảo vệ tài sản và tính mạng cho chính mình cũng như cộng đồng xung quanh.
Mỗi hộ dân, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh cần thường xuyên kiểm tra, bảo trì thiết bị điện, trang bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy, tập huấn kỹ năng sử dụng bình chữa cháy và xây dựng phương án thoát hiểm cụ thể. Quan trọng hơn hết là hình thành thói quen cảnh giác, không lơ là, chủ quan trước các tình huống có thể dẫn đến cháy nổ.
Việc triển khai Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ không chỉ là tuân thủ quy định pháp luật, mà còn là hành động thiết thực để bảo vệ chính cuộc sống của mỗi người. Khi ý thức cộng đồng được nâng cao, mỗi gia đình đều chủ động trong công tác PCCC thì một xã hội an toàn, không còn nỗi lo cháy, nổ sẽ không còn là điều xa vời.
Dương Nương