Bố tôi từng là chiến sĩ giải phóng quân
Anh em tôi luôn tự hào về bố. Bởi bố tôi từng là một chiến sĩ giải phóng quân, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời bình, bố là một cựu chiến binh cần mẫn với công việc đời thường và luôn gương mẫu trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Mỗi khi đến ngày lễ 30/4, tôi lại nghĩ nhiều về bố, về giá trị của cuộc sống hòa bình!
|
Thuộc thế hệ 5X, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1973 tại chiến trường miền Nam, bố tôi từng giữ chức vụ A trưởng, hàm Thượng sĩ. Hình ảnh duy nhất về tuổi thanh xuân của bố còn lưu lại đến nay là tấm chân dung màu trắng đen của hơn 50 năm về trước bố chụp trong bộ quân phục còn rất mới. Tấm hình đã được bố phóng to, ép nhựa, đặt trang trọng trong một khung gỗ, treo nơi phòng khách. Đi ngang qua phòng khách, thi thoảng tôi lại thích được ngắm nhìn thật lâu hình ảnh của bố thời ấy - một anh giải phóng quân trong bộ quân phục thân thương, vừa tràn đầy sức trẻ vừa toát lên vẻ cương nghị!
Bố vẫn thường tâm sự với anh em tôi về thời của bố. Cái thời chẳng những thiếu cái ăn, cái mặc mà ám ảnh nhất là những đau thương trong chiến tranh mà kẻ thù đã gây ra cho quê hương, đất nước. Bởi thế, lớp lớp thanh niên từ trong làng xã quê mình cho đến mọi miền trong cả nước, ai lớn lên cũng hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia chống Mỹ cứu nước. Bố bảo, những chiến sĩ giải phóng quân như bố thời ấy chỉ đau đáu một khát khao cháy bỏng là sớm giải phóng được miền Nam để Bắc - Nam thống nhất một nhà. Vì vậy, thanh niên thời của bố, ai cũng tâm đắc với câu nói của người anh hùng trẻ Lê Mã Lương khi ấy, rằng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù!”.
Một vài đồng đội của bố còn may mắn trở về sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến nay vẫn thường xuyên lui tới nhà tôi chơi. Những dịp ấy, căn nhà tôi lại rộn vang tiếng nói cười hào sảng của những cựu chiến binh một thời máu lửa. Bố và các bác kiểu gì cũng thi nhau kể biết bao kỷ niệm thời chiến. Nào chuyện tham gia những chiến dịch, những trận đánh ác liệt; chuyện về những đồng đội kề vai sát cánh chung một chiến hào, những ai còn, ai mất; chuyện về tình quân dân, những đêm liên hoan văn nghệ tại đơn vị hay suốt dọc đường kháng chiến; về việc đón lõng địch trong đêm trên đường rút chạy sau đợt tổng tiến công. Những chuyện đã lùi xa hơn nửa thế kỷ mà cứ ngỡ như chuyện của ngày hôm qua!
Trở về với cuộc sống đời thường đã lâu, nhưng tôi nhận ra chất lính của một anh giải phóng quân năm nào đã khắc sâu trong con người của bố. Bố vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, vượt khó trước mọi hoàn cảnh. Tôi còn học được ở bố tính kỷ luật trong công việc; sự gọn gàng, ngăn nắp trong sinh hoạt hằng ngày y như trong môi trường quân ngũ. Và từ nhỏ, tôi còn được thừa hưởng ở bố những ca khúc nhạc đỏ hào hùng bố rất thích nghe. Tôi cũng thuộc nằm lòng những bài thơ cách mạng bố thường đọc, nhất là những câu thơ ngợi ca hình ảnh chiến sĩ giải phóng quân, ví như: “Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân” (Dáng đứng Việt Nam- Lê Anh Xuân).
Ngày lễ 30/4 hằng năm, tôi lại nghĩ đó là ngày của bố. Ngày bố được sống lại với bao ký ức tuổi thanh xuân nơi chiến trường. Ngày bố được ngắm nhìn thật lâu từng kỷ vật một thời không thể nào quên. Ngày bố trang nghiêm trong bộ quân phục, đeo lên tấm huy hiệu, thắp nén tâm hương cho những đồng đội của mình đã ngã xuống. Hình ảnh bố trong ngày lễ trọng đại này càng khiến tôi nghĩ đến công lao của biết bao thế hệ cha anh đã cống hiến cho Tổ quốc, trân quý biết bao cuộc sống hòa bình và càng ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước hôm nay!
Nguyễn Đình Thu