Biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
94 năm đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, dù mỗi giai đoạn lịch sử có hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn là biểu tượng của lòng tự hào và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Trước đây, tôi có nhiều dịp được đi công tác với lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, với đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là các đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh, đối thoại với nhân dân của lãnh đạo tỉnh, hay Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; hoặc kiểm tra các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Trong các cuộc tiếp xúc, đối thoại, cán bộ Mặt trận định hướng các nội dung cần thiết, quan trọng để cử tri có thể phát biểu tập trung, tránh việc phát biểu trùng lặp hoặc nêu các ý kiến, kiến nghị đã được trả lời, giải quyết.
Mặt trận các cấp đã phát huy vai trò chủ lực trong phát động, triển khai các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động hướng mạnh về cơ sở; huy động và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cũng từ đó, nhiều mô hình mới, các làm hay, sáng tạo, có hiệu quả, mang tính tích cực đã được nhân rộng và lan tỏa.
Và trong những chuyến đi ấy, tôi đều cảm nhận sâu sắc rằng, tâm huyết, trí tuệ và tinh thần gần dân, trọng dân, luôn chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là một vốn quý rất đáng tự hào của Mặt trận và người cán bộ Mặt trận.
Sau này, vì đặc thù công việc nên tôi ít có cơ hội tham gia các chuyến về cơ sở, nhưng tôi vẫn “nhìn thấy” những đức tính tốt đẹp ấy ở bác trưởng ban công tác Mặt trận thôn.
Tiếng là thuộc phường nội thành, chỉ ít phút chạy xe là ra tới trung tâm thành phố, nhưng dân cư ở thôn đa phần là làm nghề nông hoặc lao động phổ thông nên cũng có nhiều chuyện rắc rối, phức tạp nảy sinh.
Khoan bàn đến chuyện ông luôn tích cực tham mưu, đề xuất đúng đắn, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Chỉ với việc ông hết lòng hết sức với việc thôn việc làng là mọi người đã phục lắm rồi.
Ông phối hợp cùng ban nhân dân thôn, các tổ chức đoàn thể “đi từng ngõ, gõ từng cửa” giải thích, tuyên truyền, vận động người dân tham gia góp của, góp công làm đường giao thông nông thôn; dọn vệ sinh thôn, làng, vệ sinh trường học; tu bổ, sửa chữa nhà rông văn hóa, sửa chữa cổng chào các thôn; lắp đèn đường; xây dựng gia đình văn hóa, cho con em đến trường.
Ấy là chưa kể ông thuộc lòng hoàn cảnh của từng nhà, từ đó luôn có cách giúp đỡ phù hợp. Nhà ai có chuyện gì cần đến, dù trưa hay chiều, mờ sáng hay đêm hôm khuya khoắt ông đều sẵn lòng đến.
Có thể nói rằng, ông chính là một “mắt xích” quan trọng, kết nối các gia đình và mỗi người dân trong thôn thành một khối đoàn kết, từ đó phát huy sức mạnh cộng đồng trong giảm nghèo bền vững, xây dựng thôn nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Từ “hình mẫu” ấy, cùng với những gì đã được nghe, được thấy, có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp luôn là những người mang trong mình nhiệt huyết, trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo.
Với phương châm “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, những việc làm và đóng góp của họ thực sự có đóng góp quan trọng, cần thiết để xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã trực tiếp và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để chuyển tải đồng bộ, toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chương trình hành động, Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X và Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp đến tận khu dân cư, hộ gia đình và từng cá nhân.
Không chỉ vậy, Mặt trận các cấp đã phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội ở khu dân cư. Qua hoạt động này, Mặt trận có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng với các cơ quan Đảng, Nhà nước góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nguyện vọng các tầng lớp nhân dân.
Cũng từ đây, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, giúp cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt hơn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Ở tỉnh ta, MTTQ Việt Nam tỉnh không ngừng đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức trong hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Khắc phục hình thức góp ý văn bản, tổng hợp ý kiến kiến nghị, tăng cường đối thoại trực tiếp, tiếp xúc trực tiếp.
Đồng thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, các dư luận bức xúc trong nhân dân; làm cầu nối truyền tải các kiến nghị, đề xuất chính đáng lên các cấp, các ngành có thẩm quyền giải quyết kịp thời, thấu đáo. Từ đó củng cố thêm niềm tin giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Cùng với các tổ chức chính trị - xã hội thành viên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên; tổ chức hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Nội dung, phương thức tuyên truyền thay đổi linh hoạt và cập nhật mới gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đời sống các tầng lớp nhân dân.
Nổi bật như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; các chương trình MTQG và Phong trào Chung tay xóa nhà tạm nhà, dột nát với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" đang được triển khai.
|
Qua đó khích lệ, động viên và khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, chung tay, góp sức xây dựng tỉnh Kon Tum ngày một phát triển.
Đặc biệt, từ tháng 2/2021, tỉnh ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã có đóng góp lớn lao trong việc đưa Cuộc vận động lan tỏa sâu rộng, thực sự làm nên “làn gió mới” về nếp nghĩ cách làm ở mọi thôn làng.
Đến nay, 15.343 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp; không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 11.061 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; có 5.458 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng đổi thay theo hướng phát triển toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 12,45% so với tổng số hộ DTTS, bình quân giảm từ 3-4%/năm trong giai đoạn 2020-2023.
Toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 65/498 thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và phát huy. Lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước, sự điều hành của chính quyền các cấp ngày càng sâu sắc.
Những thành tựu đạt được nói trên là rất đáng tự hào, thể hiện quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của nhân dân các dân tộc.
Cũng là minh chứng cho sự nỗ lực, tinh thần tận hiến của MTTQ các cấp và đội ngũ cán bộ Mặt trận.
Ngày 18/11, kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất, nay là MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), càng thêm trân quý truyền thống quý báu của MTTQ.
Hồng Lam