Bản trường ca hoà bình
Theo tháng năm, những thời khắc, con người làm nên lịch sử đã góp sức dựng nên bản trường ca hòa bình. Để giờ đây, thế hệ cha ông trực tiếp cầm súng chiến đấu hay những thế hệ được sinh ra trong hòa bình, độc lập, tất cả đều reo vui trong thời khắc kỷ niệm 50 năm Bắc – Nam sum họp một nhà.
|
1.Qua màn ảnh nhỏ, cựu chiến binh Đỗ Bá Uy (thôn 4, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) chăm chú theo dõi những đoàn quân bước đều, luyện tập diễu binh, diễu hành chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hình ảnh từng đoàn quân tràn đầy sức sống càng làm trái tim ông rộn ràng như thuở đôi mươi, đôi chân như được hòa chung nhịp bước.
Cách đây hơn 50 năm về trước, ông và đồng đội cũng bước những bước chân thép, băng rừng, vượt núi, mở đường, tiếp tế lương thực, vũ khí ra chiến trường, phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Những bước chân hào hùng đã góp phần làm nên những nốt nhạc trầm bổng của khúc tráng ca Trường Sơn huyền thoại, dồn sức làm nên bản trường ca hòa bình.
Hòa bình thật đẹp- nhấp ngụm nước trà, ông Đỗ Bá Uy nói chậm rãi với niềm xúc động trào dâng. Sinh ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; thuở đôi mươi, nếm trải những khoảnh khắc bom rơi trên đầu, cận kề giữa lằn ranh sống – chết trong những ngày đánh Mỹ cứu nước, hơn ai hết, ông cảm nhận sâu sắc giá trị của độc lập, của hòa bình.
“Bây giờ có thể ngủ một đêm tới sáng mà không lo đạn rền, cảm giác bình yên đơn giản ấy khó có thể tìm thấy trong chiến tranh. Đi qua những đêm dài kháng chiến, mở đường, tiếp tế, gian nan nhưng hào hùng, tôi chỉ tiếc rằng, những đồng đội yêu quý của tôi đã ngã xuống trước giờ phút giải phóng”- ông Uy trầm ngâm.
77 tuổi đời, 58 năm tuổi Đảng, ông Uy vẫn nhớ như in ngày khai thêm 1 tuổi để đủ tuổi vào quân ngũ. Nhập ngũ từ năm 1965, tại đơn vị Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, trong chiến trường, bom rền vang trên đầu, biết rằng, mình có thể sẽ phải hi sinh bất cứ lúc nào, nhưng lý tưởng cách mạng, tình yêu đất nước, khát vọng hòa bình luôn sục sôi, ông hăng hái làm nhiệm vụ.
Nhớ thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, ông Uy kể: Chúng tôi mở đường, chi viện cho chiến trường miền Nam tại đường 20 Quyết Thắng, thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi khốc liệt nhất với mật độ bom đạn dày đặc. Ngày đó, đơn vị đã “truy điệu sống” cho biết bao đồng đội trước khi ra mặt trận. Dọc tuyến đường đó, biết bao đồng đội đã mãi mãi tuổi hai mươi. Hòa bình ngày nay được đổi bằng máu thịt của cha ông, của các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Những ngày cùng đồng đội góp sức đánh Mỹ như một phần trong máu thịt của người cựu chiến binh năm xưa. Mà đúng hơn, chính những tháng ngày ấy đã làm nên một thanh xuân rực rỡ không bao giờ quên. Gom ký ức cả chục năm cho một lần kể chuyện, biết bao kỷ niệm cứ thế tuôn về như một cuốn phim tài liệu tua chậm. Những hồi ức đẹp càng làm ông nhớ về các đồng đội. “Dù bao nhiêu tuổi, con đường của chúng tôi vẫn là con đường cách mạng”- ông Uy khảng khái.
2. Trong bom rơi, đạn nổ, các anh hùng liệt sĩ, những người có công sẵn sàng hi sinh máu xương để đất nước hòa bình. Thời khắc cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 đã trở thành thời khắc lịch sử. Lời bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” qua bao nhiêu năm vẫn luôn được các lớp thế hệ hát vang, reo vui niềm vui ngày chiến thắng.
Thuộc làu làu những mốc son lịch sử, anh Nguyễn Hồng Thắng – Tổ dân phố 5, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum luôn tự hào vì là thế hệ được sinh ra vào thời điểm đất nước toàn thắng. Là thế hệ được thừa hưởng hòa bình, thống nhất, cũng là thế hệ trải qua những gian nan thời hậu chiến, những câu chuyện của cha ông về lịch sử đấu tranh chống quân xâm lược đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, đã hun đúc, tôi luyện ý chí, quyết tâm của anh.
Những tháng ngày xưa cũ, thuở thiếu thời, đọc quyển nhật ký của chính cô ruột đã hi sinh khi làm nhiệm vụ tại đường 20 Quyết Thắng, trong ánh đèn dầu le lói, anh đã nghĩ, được sống trong hòa bình là niềm hạnh phúc lớn lao. Máu đào liệt sĩ nhuộm lá cờ cách mạng đỏ chói, từ khi được ngồi trên ghế nhà trường, bản thân anh đã suy nghĩ phải nỗ lực học hành, chung sức dựng xây quê hương thêm giàu đẹp.
Là một trong những số ít bạn bè bước vào giảng đường đại học thuở ấy, với ý chí, quyết tâm, mỗi ngày anh hăng say, nỗ lực học hỏi, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm quý báu, tư duy tổng hợp, anh cố gắng mỗi ngày để nhạy bén hơn với nghề kiểm sát viên. Anh vui mừng kể về những người bạn cùng trang lứa: Lứa chúng tôi, nhiều người thành tài! Tất cả đều bừng bừng sức sống, làm việc, xây dựng, cống hiến.
Lịch sử Việt Nam đã bước sang trang mới, thời đại mở cửa và hội nhập kinh tế, tôi nhắc các con chú tâm học hành, rèn đức, rèn cho mình kỹ năng, tâm thế để phát triển bản thân, góp sức cho sự phát triển chung của tỉnh nhà, của đất nước- anh Thắng nói.
|
3. Khi thế hệ 9x được sinh ra, đất nước đã bước vào thời kỳ đổi mới, lớn lên cùng sự phát triển của kinh tế, công nghệ thông tin nên có nền tảng vững chắc; có động lực, có sự tự tin, có điều kiện để phát triển tài năng và trí tuệ. Thực tế chứng minh, nhiều bạn trẻ trở thành tấm gương sáng lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám hiện thực hóa ước mơ.
Là một giáo viên mầm non, chị Mỹ Hạnh, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum luôn mang trong mình hoài bão, sứ mệnh ươm trồng những mầm non tươi tốt. Chị Hạnh luôn cố gắng chăm sóc tốt nhất cho các cháu, tổ chức các hoạt động ngoại khóa hướng về những ngày kỉ niệm để dạy cho các cháu hiểu về cội nguồn. Chị cũng tham gia các lớp học trau dồi kiến thức cũng như các hoạt động vì cộng đồng. Theo chị, đó là cách để rèn luyện, giúp chị sống tử tế hơn, có khát khao, được cống hiến.
Hướng về ngày thống nhất đất nước, cầm trên tay một chiếc túi hình lá cờ Tổ quốc đỏ chói do chính tay mình làm nên, chị nói rằng: Chiếc túi này mình làm từ đôi tay, thêu từ tấm lòng, mình hi vọng nó có thể là một món quà nhỏ để nhắc nhau nhớ về cội nguồn, về sự hi sinh và về giá trị của độc lập.
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, lời bài hát cũng là câu hỏi được chị Hạnh đặt ra mỗi ngày. “Thế hệ tuổi hai mươi ngày trước, trong gian khó đã làm nên lịch sử. Thế hệ trẻ ngày nay cũng phải tự tin, nỗ lực, sống có ích với xã hội. Dù chưa làm được những điều lớn lao, song bản thân tôi luôn nỗ lực sống tốt hơn mỗi ngày, sống có trách nhiệm với cộng đồng, lan tỏa những hành động đẹp”- chị Hạnh nói.
Từ những trận tuyến khốc liệt đến khúc ca khải hoàn, theo năm tháng, những thời khắc hào hùng, những con người làm nên lịch sử đã làm nên một bản trường ca hòa bình. Để giờ đây, thế hệ cha ông trực tiếp cầm súng chiến đấu hay những thế hệ được sinh ra trong hòa bình, độc lập, tất cả đều reo vui trong thời khắc kỷ niệm 50 năm Bắc – Nam sum họp một nhà.
Hoài Tiến