Âm vang nhịp chiêng đại ngàn
Hòa chung không khí sôi nổi các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V (năm 2024), tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ II (gọi tắt là Hội thi) vừa diễn ra tại nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã làm “say” lòng người xem bởi những thanh âm truyền thống độc đáo, đậm chất núi rừng.
Với chủ đề “Âm vang nhịp chiêng đại ngàn”, tại Hội thi, các đội thi cồng chiêng, múa xoang được đan xen với các tiết mục trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức truyền thống. Trong đó, 10 đoàn (mỗi đoàn có 2 đội nghệ nhân tiêu biểu) đến từ 10 huyện, thành phố với khoảng 800 nghệ nhân tham gia tranh tài tổng cộng 29 tiết mục ở cả hai loại hình gồm: Thi cồng chiêng, múa xoang và thi trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống của các DTTS.
Với 30 phút/tiết mục, các phần thi cồng chiêng, múa xoang bao gồm diễn tấu nhạc cụ truyền thống, hát dân ca, múa xoang kết hợp cồng chiêng; phần thi trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống giới thiệu một lễ hội hoặc nghi thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng truyền thống của các dân tộc.
|
Buổi thi đầu tiên sáng 12/12 tại nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) diễn ra trong không khí sôi nổi, rộn ràng. Các đội được chọn thi mở màn đã đến từ sớm để tranh thủ “duyệt” lại lần cuối trước khi bước vào phần thi chính thức. Cả không gian nhà rông Kon Klor vang vọng các giai điệu truyền thống, như một “bữa tiệc” âm thanh của tre nứa, cồng chiêng tạo sự hưng phấn, thôi thúc người nghe.
Đúng 8 giờ sáng, đội nghệ nhân thôn Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) bước vào phần thi của mình với tiết mục cồng chiêng, múa xoang “Giã gạo đêm trăng”. Các chàng trai, cô gái Xơ Đăng với trang phục thổ cẩm đặc trưng nhịp nhàng bước ra sân khấu với những điệu xoang, tiếng trống, cồng chiêng dồn dập. Những âm thanh vang vọng, tươi vui như báo hiệu một mùa Xuân mới lại đến, mùa của thu hoạch bội thu sau một năm vất vả lao động mệt nhọc.
Phần thi hát dân ca “Mừng vui có lúa về” được nối tiếp ngay sau đó của các nghệ nhân thôn Đăk Rô Gia đã làm người xem vô cùng thích thú bởi sự chuyển “cảnh” rất mượt mà. Trong đó, các nữ nghệ nhân Xơ Đăng vừa múa xoang, giã gạo, vừa biểu diễn hát Rô Nghi - một làn điệu dân ca của dân tộc Xơ Đăng mang tính chất giao duyên, đối đáp, thể hiện tâm tư, ca ngợi, chia sẻ cho nhau những việc làm hay, việc làm tốt trong cuộc sống thường ngày.
Khán giả cũng rất thích thú với màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc kết hợp với cồng chiêng trong tiết mục “Ngày hội vào mùa”. Các nghệ nhân trong tay đủ các loại nhạc cụ làm từ tre, nứa, bầu, đá, đồng hăng say biểu diễn như quên hết “bao mệt nhọc sau những buổi lao động vất vả, hòa mình cùng những thanh âm truyền thống trong trẻo, du dương.
Nghệ nhân A Diện (43 tuổi, thôn Đăk Rô Gia) tạo ấn tượng người xem khi một mình “độc tấu” đàn đá với những thanh âm rộn rã, vui tai.
|
Các phần thi nối tiếp nhau không ngừng đã đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đặc biệt, phần thi của Đội nghệ nhân thôn Ia Dơr (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) với tên gọi “Đoàn kết cộng đồng các DTTS huyện Ia H’Drai” đã tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Toàn đội có 31 nghệ nhân nhưng đủ mọi thành phần DTTS như Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Hà Lăng, Thái, Mường từ thiếu niên đến người lớn, chung vòng xoang, nhịp trống chiêng, hát vang bài ca với tái hiện một câu chuyện sinh động về đời sống hàng ngày ở Ia H’Drai, với tinh thần đoàn kết cộng đồng cùng vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương giàu đẹp.
Tạm ngưng với những thanh âm truyền thống sôi động, rộn ràng, Đội nghệ nhân dân tộc Hà Lăng ở thôn Đăk Đe (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) bước vào phần thi tái hiện Lễ Pơ Jrao truyền thống. Theo tiếng Hà Lăng, lễ Pơ Jrao chính là lễ cúng mừng lúa thóc đầy kho, được thực hiện bởi chủ nhà, thường vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 hàng năm. Đây là thời điểm khi lúa rẫy đang trong quá trình trổ bông, làm đòng.
“Ơ Jang Hơ Pơm, hôm nay gia đình chúng tôi xin dâng con gà cúng lúa thóc đầy kho, cảm ơn Jang Hơ Pơm đã che chở cho nhà đầy lúa. Cầu cho một mùa lúa thật ấm cúng, no đủ” - Tiếng già làng A Gir (60 tuổi) ở thôn Đăk Đe vang vọng giữa nhà rông Kon Klor. Hai tay giơ cao, mặt ngửa lên trời, già A Gir vừa hô to, vừa hướng dẫn gia chủ mang các lễ vật cúng tế như heo, gà, các vật linh bày biện ra để thể hiện tấm lòng thành với thần linh.
Già A Gir chia sẻ: Chúng tôi chọn tái hiện lễ hội Pơ Jrao truyền thống vì đây là sự kiện hết sức quan trọng trong năm, cầu mong thần linh ban cho một mùa bội thu, cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, một năm an lành, hạnh phúc. Qua đó còn để tôn vinh, siết chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó mật thiết của cộng đồng dân tộc người Hà Lăng luôn một lòng nghe theo Đảng, Bác Hồ kính yêu, sát cánh, kề vai cùng với Bộ đội Cụ Hồ, các dân tộc anh em đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Phạm Thanh