Quốc hội tiếp tục thảo luận Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Chiều 16/5, các ĐBQH tỉnh tiếp tục thảo luận tại Tổ 16 cùng các ĐBQH các tỉnh An Giang, Hà Nam và Lai Châu đối với các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
|
|
Đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
Tại Phiên làm việc này, các đại biểu Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám đã phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.
Phát biểu tham gia ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị bổ sung chế tài để khắc phục cho được tình trạng chậm gửi hồ sơ các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).
Theo đại biểu Thanh, trong trường hợp bình thường, Luật đã quy định rất rõ về định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội; Chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội. Cụ thể:
Thứ nhất, định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, hoàn thành trước ngày 1/9 của năm đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội, để trình cơ quan có thẩm quyền của Đảng phê duyệt; Chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/8 hằng năm để đưa vào Chương trình lập pháp của năm tiếp theo.
Ở các địa phương thì hằng năm đều có chương trình, kế hoạch hoặc việc cơ quan chuyên môn chủ động đăng ký xây dựng nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND ...
Việc này cho thấy, vấn đề thời gian phục vụ cho công tác chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ trình các văn bản QPPL ở cả cấp Trung ương và địa phương là rất nhiều, không hề bị động.
Thế nhưng trong thực tế, tình trạng cơ quan soạn thảo, cơ quan trình chậm gửi hồ sơ đến các cơ quan thẩm định, thẩm tra, cơ quan cho ý kiến cuối cùng và chậm gửi hồ sơ, tài liệu đến ĐBQH, đại biểu HĐND trước các kỳ họp vẫn thường xuyên xảy ra.
Khoản 1, Điều 39 Luật hiện hành quy định "Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, hồ sơ dự án luật, nghị quyết và báo cáo thẩm tra phải được gửi đến các ĐBQH". Nhưng trong thực tế rất nhiều trường hợp hồ sơ dự án luật, nghị quyết và báo cáo thẩm tra chỉ được gửi đến ĐBQH, đại biểu HĐND trước một đến hai ngày so với thời gian thảo luận, góp ý xây dựng luật, nghị quyết trong kỳ.
Tình trạng này đã gây khó khăn cho các cơ quan thẩm định, thẩm tra; làm hạn chế về số lượng và chất lượng các ý kiến tham gia xây dựng luật, nghị quyết từ đó đã trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng văn bản QPPL sau khi ban hành... Do đó, để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL, nhất là yêu cầu về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhất thiết phải bổ sung chế tài vào dự thảo luật này để kiên quyết khắc phục cho được tình trạng nêu trên.
Thứ hai, về vấn đề thẩm tra, thẩm định văn bản QPPL, đại biểu Thanh thống nhất quy định của Luật hiện hành về vấn đề thẩm định. Theo quy định hiện nay, Bộ Tư pháp được giao chủ trì thẩm định chính sách của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình; đối với chính sách do Bộ Tư pháp đề xuất hoặc trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập hội đồng thẩm định.
Tuy nhiên, đại biểu vẫn có những băn khoăn đối với việc thẩm tra Luật, nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan trình. Theo quy định hiện nay thì Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực mình phụ trách và dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Trong báo cáo thẩm tra của các cơ quan này, phải phản ánh đầy đủ ý kiến của thành viên cơ quan chủ trì thẩm tra, ý kiến của cơ quan tham gia thẩm tra, ý kiến của các Đoàn ĐBQH (nếu có) về nội dung dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; nêu rõ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; trường hợp dự án chưa đủ điều kiện trình thì cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trả lại hồ sơ cho cơ quan trình để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện.
Về quy định trên, đại biểu Thanh thấy phù hợp khi chủ thể là Chủ tịch nước, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận, ĐBQH trình dự án luật, nghị quyết trước Quốc hội.
Còn trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chủ thể trình luật, nghị quyết trước Quốc hội nếu giao cho Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra là chưa phù hợp. Vì, trong trường hợp dự án chưa đủ điều kiện trình thì cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trả lại hồ sơ cho cơ quan trình để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện.
Do đó, đại biểu Thanh tiếp tục đề nghị bổ sung và có quy định cụ thể vào Dự án luật này, nội dung quy định phù hợp về trình tự, thẩm quyền công tác thẩm tra trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự án luật, nghị quyết trước Quốc hội.
Thứ ba, về nội dung sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 54 Luật hiện hành. (Dự kiến quy định tại khoản 14 Điều 1 Dự thảo luật này). Đại biểu Thanh đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: b) Trường hợp nhiều đơn vị hành chính được nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tiếp tục có hiệu lực trong phạm vị đơn vị hành chính trước khi sắp xếp cho đến khi HĐND, UBND đơn vị hành chính mới (sau sáp nhập) ban hành văn bản thay thế, hoặc bãi bỏ văn bản do HĐND, UBND của vị đơn vị hành chính trước khi sắp xếp ban hành.
Theo đại biểu, sau sắp xếp, sáp nhập nếu văn bản QPPL do HĐND, UBND các địa phương trước sáp nhập vẫn còn phù hợp thì tiếp tục được thực hiện trong phạm vi địa phương đó (trong giai đoạn chuyển tiếp); Trường hợp văn bản QPPL do HĐND, UBND các địa phương này không còn phù hợp sau sắp xếp, sáp nhập thì HĐND, UBND đơn vị hành chính mới (sau sắp xếp, sáp nhập) thực hiện ngay việc ban hành văn bản thay thế hoặc bãi bỏ đối với các văn bản đó.
Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 4 ý kiến đối với Dự án luật này về sự cần thiết ban hành; việc tiếp nhận thẩm quyền xử phạt của các cơ quan thực hiện hợp nhất, sáp nhập; việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản để đảm bảo đơn giản thủ tục hành chính; việc áp dụng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lên gấp 2 lần đối với một số lĩnh vực đối với Hà Nội và một số thành phố khác;...
Hồ Nam