Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Nguyên, Long An, Đăk Nông về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tại buổi thảo luận ở tổ có 7 lượt ý kiến phát biểu, trong đó có 1 lượt phát biểu của ĐBQH Tô Văn Tám thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh.
|
Phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ, ĐBQH Tô Văn Tám đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo dự án Luật này. Đồng thời, đại biểu Tám quan tâm đến 5 vấn đề, gồm: Quyền tư pháp nêu trong dự thảo Luật; về giải thích luật trong xét xử; vấn đề khởi tố tại tòa; việc đổi tên tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm; ngạch, bậc của cán bộ, công chức trong ngành Tòa án.
Trong đó, đại biểu Tám nhấn mạnh đến vấn đề giải thích luật trong xét xử. Đại biểu cho rằng dự thảo đưa ra Tòa sơ thẩm (Tòa án cấp huyện) có quyền giải thích; Tòa phúc thẩm (tức là Tòa án tỉnh) cũng có quyền giải thích; Tòa án cấp cao cũng giải thích việc này, rồi đến Tòa án tối cao... Vậy, vấn đề đặt ra là sẽ có sự khác nhau trong mỗi cấp xét xử cho mỗi vụ việc tương ứng nếu có tính chất giống nhau xảy ra ở địa phương này với địa phương khác. Do cách giải thích khác nhau có thể dẫn đến kết quả có thể khác nhau sẽ có tác động đến tâm lý của người dân đối với việc giải thích tại tòa. Theo đại biểu Tám, việc giải thích này nên trao cho Hội đồng thẩm phán tối cao... và để một vụ việc tương tự xảy ra ở huyện A thì cũng được áp dụng điều luật đó giống y hệt ở huyện B.
Trước khi thảo luận tổ các nội dung nêu trên, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật này.
Tài Lương