Hiểu đúng về việc sử dụng pháo hoa dịp Tết
“Người dân đủ 18 tuổi trở lên có thể sử dụng pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, có dán mã tem QR code chống hàng giả trong dịp Tết. Người sử dụng phải cung cấp đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp lệ. Nếu vi phạm sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng”- Thượng tá Võ Bá Liêm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) lưu ý về việc mua, sử dụng pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán.
Thượng tá Võ Bá Liêm cho biết, theo Nghị định số 137 ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định số 137), chỉ các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đáp ứng đủ các điều kiện mới được phép kinh doanh pháo hoa. Do đó, việc mua bán trái phép pháo hoa để kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Người dân chỉ được sử dụng pháo hoa, nghiêm cấm sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Người sử dụng pháo hoa phải đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Đặc biệt, người mua khi muốn sử dụng thì phải cung cấp đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp lệ để cơ quan chức năng kiểm tra. Khi người dân sử dụng pháo hoa nếu bị kiểm tra mà không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp lệ hoặc sử dụng loại pháo hoa không được phép sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng (theo điểm I, khoản 3, Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ).
|
|
Những ngày cận Tết, với dự báo tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép và chế tạo pháo nổ sẽ diễn ra với tính chất, mức độ phức tạp, khó lường. Vì vậy, để giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng về việc mua bán, sử dụng pháo hoa, Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm giảm các hành vi vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo.
Song song với việc tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo việc tăng cường và quản lý sử dụng pháo năm 2025; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy định của Nghị định số 137, đến nay, đơn vị tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị định số 137 đến mọi tầng lớp nhân dân.
“Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức cho các tổ chức, cá nhân ký cam kết không vi phạm và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo trong khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học. Trong đó, tập trung vào các đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, các hộ kinh doanh, buôn bán. Cùng với đó, tăng cường công tác nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển pháo trên các phương tiện giao thông và không gian mạng; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan tuần tra kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu để ngăn chặn các hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép, không để xảy ra tình trạng nhập lậu và đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam”- Thượng tá Võ Bá Liêm nhấn mạnh.
Trong những năm qua, mặc dù công tác đấu tranh, tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục, song các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhân dân vào các dịp trước, trong và sau Tết vẫn xảy ra. Riêng năm 2024, Công an tỉnh phát hiện, đấu tranh 14 vụ/ 21 đối tượng, thu giữ 210,9kg pháo, 14 hộp pháo hoa nổ. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính 06 vụ/08 đối tượng (tổng tiền phạt 42 triệu đồng); xử lý hình sự 6 vụ/08 đối tượng, đang điều tra, xác minh 2 vụ/5 đối tượng. Mới đây nhất, có 1 vụ việc liên quan đến pháo tự chế khiến 3 người bị thương. Các hành vi vi phạm đã gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống và trật tự an toàn xã hội.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Công an tỉnh tiếp tục khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện Nghị định số 137 để đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Hoài Tiến