Giả danh shipper lừa đảo khách hàng
Cùng với muôn vàn chiêu trò lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, thời gian gần đây, nhất là dịp trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, trên địa bàn tỉnh “rộ” lên một chiêu thức lừa đảo mới hết sức tinh vi, đó là giả danh nhân viên giao hàng (shipper) gọi điện thoại để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.
Mấy ngày trước Tết, chị Tr.T.H (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Đầu dây bên kia là một giọng nữ xưng là nhân viên giao hàng, nói rất to, nhanh và hối thúc với nội dung: “Em đang đứng ở cổng, chị ra lấy hàng ngay hộ em với chị ơi”.
Do chị H có đặt hàng đơn hàng quần áo trên mạng nên khi “nhân viên giao hàng” gọi, chị không hề có sự nghi ngờ nào. Tuy nhiên, do không ở nhà, chị có nói “nhân viên giao hàng” quay lại sau, nhưng chị này năn nỉ: Chị nhờ người nhà nhận hộ em với vì em đang còn nhiều đơn chưa giao, sát Tết rồi, để qua Tết không được. Em thấy nhà chị có người ở nhà, chị chuyển khoản cho em là được”.
Để tăng “tính chân thật”, đối tượng lừa đảo còn cung cấp thêm một số thông tin thuyết phục như tên người mua hàng, địa chỉ nhận, số tiền của đơn hàng.
Tết nhất cận kề cộng với số tiền mua hàng cũng không lớn chỉ có 299.000 đồng, chị H đã nói “nhân viên giao hàng” nhắn số tài khoản và chuyển tiền luôn để người nhà nhận hàng. Cũng vì cả tin, chị H không gọi điện thoại về nhà để xác minh. Khi về nhà thì chị H mới biết mình đã bị lừa vì không có người nào giao hàng cả. Chị gọi lại số điện thoại đối tượng đã gọi thì không liên lạc được.
|
Với sự phát triển của công nghệ, việc mua sắm online, mua sắm trực tuyến ngày càng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các đối tượng lừa đảo thu thập thông tin khách hàng thông qua nhiều kênh như từ thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng trên bình luận hoặc tin nhắn đặt mua công khai trên livestream; từ các trang thương mại điện tử; trên facebook cá nhân, zalo, hội nhóm.
Khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng, đối tượng sẽ giả danh nhân viên giao hàng gọi điện thoại để lừa đảo. Đối tượng thường chọn gọi điện thoại vào khung giờ hành chính vì thời điểm đó khách hàng ít khi ở nhà. Nếu khách hàng cho biết không có mặt ở nhà, đối tượng sẽ nói để hàng ở trong sân, gửi hàng xóm hay nhờ người nhà nhận hộ, đồng thời yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng ngay.
Sau khi nhận được tiền thanh toán, đối tượng chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng nếu số tiền lớn; còn nếu số tiền nhỏ đối tượng sẽ thông báo có sự nhầm lẫn, số tài khoản trên là số tài khoản đăng ký làm hội viên nhân viên giao hàng, khi chuyển tiền đến số tài khoản đó thì hệ thống sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3 - 3,5 triệu đồng từ tài khoản của khách hàng.
Nạn nhân đều yêu cầu lấy lại tiền và hủy đăng ký thành viên, đối tượng sẽ gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang website giả mạo của đơn vị giao hàng, yêu cầu nhập thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP. Khi người dân bấm vào đường liên kết giả mạo và nhập các thông tin cá nhân sẽ bị chiếm đoạt thông tin cá nhân và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng.
Mức độ tinh vi của các cuộc gọi lừa đảo hiện nay rất cao. Ngoài việc lừa đảo để chuyển khoản, các đối tượng còn lừa cài đặt ứng dụng để theo dõi đơn hàng hoặc kiểm tra chất lượng hàng trước khi nhận. Sau khi cài đặt, người dùng sẽ bị chiếm quyền điều khiển trên điện thoại hoặc máy tính.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi tham gia mua hàng trực tuyến. Người dân chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng trước khi thanh toán; không nên chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai.
Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, lịch trình vận chuyển, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi lịch trình của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng. Đồng thời, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các buổi livestream. Khi nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.
Dương Nương