Cẩn trọng lừa đảo tuyển dụng việc làm
Lợi dụng nhu cầu kiếm việc của nhiều người vào mỗi dịp trước và sau Tết Nguyên đán tăng cao, các đối tượng xấu đã dựng lên nhiều kịch bản lừa đảo tuyển dụng việc làm tinh vi.
|
Kịch bản lừa đảo tinh vi
Mới đây, trên nhóm “Chongluadao.vn”, chị Thuý Lê chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo tuyển dụng việc làm mạo danh Tập đoàn công nghệ CMC thu hút sự chú ý của các thành viên và trở thành lời cảnh báo cho những ai đang có nhu cầu kiếm việc làm.
Theo chị Thuý Lê chia sẻ, đối tượng xấu sẽ gọi cho các ứng viên đang có nhu cầu tìm việc, giới thiệu qua công ty và mời tham gia nhóm sơ tuyển để kiểm tra vòng trực tuyến. Đáng chú ý, nhóm sơ tuyển đã có sẵn nhiều ứng viên khác, một trong số đó là các “cò mồi” sẽ nhắn riêng và bảo rằng quy trình sơ tuyển ở công ty này là phù hợp, an tâm mà làm.
Chị Thuý Lê cho biết thêm, phần 1 của vòng sơ tuyển rất bài bản, ứng viên sẽ trả lời 10 câu hỏi trong vòng 20 phút. Sang phần 2, ứng viên sẽ phải tạo tài khoản trên ứng dụng Signal để tham gia kiểm tra trên dự án thật của công ty. Từ đó, đối tượng lừa đảo dẫn dắt ứng viên nạp tiền vào tài khoản rồi làm các nhiệm vụ khác nhau với mục đích do chúng đưa ra là để hiểu thêm về dự án công ty đang làm. Để củng cố thêm niềm tin, các ứng viên “cò, mồi” sẽ nhắn tin riêng với các lời lẽ “chị làm theo hướng dẫn đi, sẽ có thêm điểm cộng khi phỏng vấn trực tiếp…”.
Nhận thấy quá trình tuyển dụng có dấu hiệu bất thường, chị Thuý Lê quyết định dừng lại “Tôi đã nhờ người quen chuyên IT để kiểm tra thì may mắn nhận được câu trả lời là lừa đảo nên tôi đã lập tức xoá trình duyệt, thoát khỏi nhóm chat”.
Nhận diện lừa đảo tuyển dụng
Khi kịch bản lừa đảo tuyển dụng ngày càng tinh vi, người dân cần trang bị những kỹ năng gì để không bị thao túng tâm lý và nhận diện được đối tượng lừa đảo?
Từ thực tế cho thấy, kịch bản chung đó là đối tượng xấu thường tạo lập các website hoặc trang mạng xã hội giả mạo các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước để đăng tin tuyển dụng. Sau đó, đối tượng sẽ sử dụng những hình ảnh giả mạo, cắt ghép, chỉnh sửa thành các hợp đồng tuyển dụng cam kết trả lương cao. Từ đó, đối tượng dẫn dắt nạn nhân cài đặt ứng dụng Zalo, Facebook, Telegram, Signal tham gia các nhóm chat, chuyển khoản đóng tiền ký quỹ để tham gia các dự án của công ty hoặc thực hiện nhiệm vụ nạp tiền nhận hoa hồng rồi từ đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Liên quan đến việc dẫn dụ nạn nhân cài đặt các ứng dụng dưới góc độ tuyển dụng nhưng thực chất là để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các chuyên gia an ninh mạng đã phát đi cảnh báo liên quan đến chiến dịch lừa đảo trên nền tảng nhắn tin, gọi điện miễn phí và được mã hoá 2 chiều - Signal. Theo đó, nhiều đối tượng lừa đảo đang chuyển từ Telegram sang Signal làm nền tảng liên lạc lừa đảo chính. Đối tượng xấu dễ dàng tiếp cận nạn nhân qua ứng dụng này để xây dựng lòng tin trước khi tiến hành các kịch bản lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nghiêm trọng hơn, cũng qua hình thức lừa đảo tuyển dụng, các đối tượng xấu đã lợi dụng không gian mạng và lòng tin của nạn nhân để lừa gạt, dụ dỗ sang Campuchia với những lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” nhưng thực chất là bị ép lên mạng xã hội để tìm các “con mồi” và dụ dỗ lừa đảo các nạn nhân mới bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.
Người lao động cần thận trọng để bảo vệ bản thân
Để không bị “sập bẫy” lừa đảo tuyển dụng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ các thông tin và liên hệ trực tiếp với các tập đoàn, công ty qua các kênh liên lạc chính thức để xác nhận thông tin tuyển dụng trước khi cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào; cần cảnh giác và không truy cập vào các đường dẫn lạ, không tham gia các nhóm chat qua các ứng dụng để chuyển khoản đặt cọc trước khi nhận việc.
Khi phát hiện hành vi lừa đảo tuyển dụng việc làm qua mạng, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình người lao động cần trình báo trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan công an gần nhất.
TÂM AN