Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố
Tập trung đột phá vào công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội…Đó chính là những nội dung trọng tâm trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Để việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trở thành sinh hoạt thường xuyên, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chú trọng chỉ đạo việc thực hiện tiêu chí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào kế hoạch, chương trình công tác năm và các buổi sinh hoạt thường xuyên của đảng ủy, chi bộ cơ quan, các tổ chức đoàn thể và kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng.
|
Theo đó việc tổ chức việc thực hiện Chỉ thị 05 được thực hiện nghiêm túc, tập trung vào những hạn chế, nhất là trong công tác nghiệp vụ; khắc phục biểu hiện chủ quan, giản đơn, làm không đến nơi, đến chốn. Trong quá trình tiến hành luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng ủy khối, căn cứ vào tình hình cụ thể của cơ quan để đưa ra nội dung, biện pháp phù hợp, đồng thời thường xuyên rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác này.
Cùng với đó, Đảng ủy đã chú trọng phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu trong phấn đấu, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và khắc phục khuyết điểm được chỉ ra, tạo sự chuyển biến về phong cách quần chúng, dân chủ, gần gũi, có ý chí vượt khó vươn lên, nhất là trước những nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi ý chí, nghị lực cao của đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Ông Phan Minh Cự - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chia sẻ: Nội dung đột phá mà Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tập trung vào chính là cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên phải đảm bảo chức năng thực hiện quyền công tố. Theo đó, tập trung vào công tác công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra, tức là mọi hoạt động của cơ quan điều tra đều phải có mặt kiểm sát viên, kiểm sát điều tra ngay từ khi nhận được tin báo tội phạm; tăng cường chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, phải đảm bảo từng nội dung tranh tụng tại phiên tòa thật chất lượng.
Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, kết quả công tác đạt được và hạn chế, tồn tại trong công tác, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh lựa chọn những vấn đề trọng tâm, nổi cộm cần tập trung chỉ đạo giải quyết. Theo đó, đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 06/2013 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm” và Chỉ thị số 16/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xử lý, kiểm sát tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; hoạt động thi hành án hình sự, dân sự trên địa bàn. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, kiểm sát viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm, không có vụ nào phải trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng do lỗi của kiểm sát viên.
Để nâng cao chất lượng trong công tác chuyên môn, đối với các phiên tòa phức tạp, được dư luận quan tâm, nhiều bị cáo, luật sư bào chữa, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, tổ chức rút kinh nghiệm có lãnh đạo, những kiểm sát viên làm công tác kiểm sát hình sự dự phiên tòa; sau đó tổ chức họp rút kinh nghiệm. Việc rút kinh nghiệm được tập trung vào các nội dung như quá trình thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, kiểm sát điều tra như thế nào… Các ý kiến rút kinh nghiệm được tổng hợp và gửi về các phòng chuyên môn, Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố; làm bài học kinh nghiệm trong quá trình hoạt động sau này…
Có thể nói, nhờ đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên ở Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong giải quyết công việc chuyên môn hàng ngày, trong thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, qua đó đã tránh được oan sai, bỏ lọt tội phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng.
Bài ảnh: Dương Đức Nhuận