Học tập phong cách tư duy tự chỉ trích của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc ta và của Đảng ta. Phong cách tư duy của Người là một tổng thể từ việc học tập, nghiên cứu tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, vấn đề dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vấn đề giành và giữ chính quyền, xây dựng chính quyền nhân dân đến vấn đề xây dựng con người mới XHCN, vấn đề xây dựng Đảng…
Mỗi một phương diện phong cách đều có những nội dung vô cùng phong phú, trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập một khía cạnh của nội dung xây dựng Đảng đó là vấn đề tự chỉ trích, tức là tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng ta đều biết rằng, phẩm chất là một tố chất quan trọng trong nhân cách người đảng viên. Phẩm chất được hiểu là tổng hợp các yếu tố đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, trung thực, luôn phấn đấu vươn lên trong học tập và trong công tác, gần gũi quần chúng tôn trọng quần chúng nghiêm chỉnh chấp hành và hoàn thành tốt trách nhiệm và bổn phận của “người công bộc” “người đầy tớ” của nhân dân.
Vì thế, trong quá trình xây dựng tổ chức và xây dựng Đảng, Bác Hồ luôn quan tâm xây dựng rèn luyện người cán bộ đảng viên có phẩm chất tốt, trong đó một yêu cầu quan trọng là tự chỉ trích.
Ngay sau khi mới giành được chính quyền trong thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, Người đã chỉ ra rằng: “Phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm của chúng ta còn ít, tài năng chúng còn kém” và phải có tinh thần “thật thà nhận công khai, nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”. Người khẳng định muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích.
Tư tưởng chủ đạo của Người trong vấn đề tự chỉ trích là “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng, một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình và vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Đối với đảng viên, để tự chỉ trích, tự phê bình, Người yêu cầu phải trung thực thật thà và triệt để. Khi tự chỉ trích, có yếu kém, khuyết điểm nào trong năng lực thì chân thành thừa nhận không né tránh, ngụy biện, đồng thời tìm cho ra nguyên nhân để khắc phục sửa chữa.
Khi tự chỉ trích, có thể mình không nhận thấy được hết yếu kém khuyết điểm của mình, bởi vậy Người cũng yêu cầu tinh thần phê bình của đảng viên, phê bình đồng chí trên quan điểm phát triển, với tinh thần thẳng thắn, chân thành, tình đồng chí cùng tiến bộ, không lợi dụng phê bình để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau, bới móc lẫn nhau, và có phương pháp thích hợp, khi nhận được sự phê bình phải cầu thị tiếp thu để sửa chữa không ngụy biện, không tư thù.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng và mẫu mực về thái độ này. Khi Chính phủ và đội ngũ cán bộ còn những yếu kém, Người đã tự kiểm điểm trước nhân dân, chịu trách nhiệm về mình, và hứa nỗ lực khắc phục. Nước mắt của Người đã rơi xuống khi tự kiểm điểm về những sai lầm trong cải cách ruộng đất.
Người luôn nghiêm khắc phê phán thái độ tự phê bình làm qua loa xong chuyện, hình thức và coi đó là “Không thật thà tự phê bình đã dối trên lừa dưới” và như thế là khó tiến bộ và làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và chính quyền trong quần chúng nhân dân. Người cũng yêu cầu đây là việc làm thường xuyên như: Ăn cơm, rửa mặt hàng ngày.
Trong hoạt động thực tiễn, người cán bộ, đảng viên, công chức phải giải quyết nhiều công việc khác nhau, nhiều yêu cầu khác nhau của công dân, của thực tiễn, cũng như yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, như thế sẽ không thể không tránh khỏi những thiếu sót khuyết điểm, vấn đề là phải tự nhận thức được những thiếu sót khuyết điểm đó hoặc tiếp thu góp ý phê bình của đồng chí đồng nghiệp và của nhân dân để khắc phục sửa chữa. Khi bị phê bình không tự ái, không che giấu khuyết điểm, không giấu dốt.
Chúng ta còn nhớ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài điếu cụ Nguyễn Văn Tố - Ủy viên Thường trực Quốc hội khóa I, Người đã gửi nhờ cụ Bùi Bằng Đoàn xem giúp. Trong lời nhờ xem giúp đó có đoạn: Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt nên cứ gửi cụ xem.
Trong quá trình lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, việc học tập phong cách tư duy tự chỉ trích của Người được Đảng và nhân dân ta hết sức coi trọng. Trong những nghị quyết về xây dựng Đảng đều chỉ rõ: Sức mạnh của Đảng của mỗi cán bộ đảng viên không chỉ ở ưu điểm, mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình.
Tô Văn Tám