Bảo đảm trật tự an toàn giao thông- Cần những giải pháp hữu hiệu hơn
Trong quý I/2025, mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều đó đặt ra cần phải có giải pháp hữu hiệu hơn.
Theo báo cáo của ngành chức năng, trong quý I/2025, trên địa bàn tỉnh xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 34 người và bị thương 20 người. So với cùng kỳ năm trước, giảm 4 vụ, tăng 3 người chết và giảm 12 người bị thương. Địa bàn xảy ra TNGT nhiều là huyện Đăk Tô (xảy ra 9 vụ, làm 9 người chết và 5 người bị thương); huyện Đăk Hà (6 vụ, 6 người chết và 4 người bị thương); thành phố Kon Tum (6 vụ, 5 người chết, 1 người bị thương); huyện Kon Rẫy (5 vụ, 4 người chết và 4 người bị thương).
Theo phân tích của ngành chức năng, trong 3 tháng đầu năm, TNGT xảy ra nhiều trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán (cuối tháng 1) và tháng 2/2025. Chỉ tính riêng trong 9 ngày nghỉ Tết, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT, làm 6 người chết, 5 người bị thương. Và trong tháng 2, toàn tỉnh cũng xảy ra 16 vụ TNGT, làm 14 người chết, 10 người bị thương.
|
Nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông còn kém; phóng nhanh vượt ẩu, không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia. Trong đó, số vụ TNGT xảy ra tại địa bàn nông thôn và liên quan người DTTS chiếm khá nhiều (chiếm 50% số vụ, số người chết).
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hướng- Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh), ngoài yếu tố về ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, nhất là đồng bào DTTS. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng với sự phát triển của các phương tiện giao thông tăng nhanh. Địa hình giao thông trên địa bàn nhiều đèo dốc, đường khúc khuỷu quanh co, thời tiết diễn biến khắc nghiệt, mưa kéo dài, sương mù gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, mặc dù đã được tuyên truyền, giáo dục, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm với một số lỗi vi phạm phổ biến là nguyên nhân gây ra TNGT. Trong khi đó, các lái xe thường chủ động nắm bắt quy luật làm việc của lực lượng CSGT (về thời gian, tuyến đường, phương thức xử lý vi phạm…) để đối phó, né tránh lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong bảo đảm TTATGT còn chưa hiệu quả, còn phó mặc cho các lực lượng chức năng như Công an, ngành GTVT thực hiện.
Để giảm thiểu TNGT, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch bảo đảm TTATGT năm 2025 và phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, đồng thời, có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, các cơ quan thành viên của Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh và đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật về ATGT đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tuyên truyền đến tận các thôn làng vùng sâu, vùng xa, đối tượng thanh thiếu niên nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân.
|
Ban ATGT tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh, Công an địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây TNGT như: Nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, đi sai làn đường, phần đường, chở hàng quá tải trọng, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không có giấy phép lái xe theo đúng tinh thần Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Tăng cường mở kế hoạch cao điểm về xử lý chuyên đề xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp và xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác vi phạm TTATGT; Kế hoạch cao điểm tổng rà soát, phát hiện, thống kê người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy và đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy trên các tuyến giao thông. Đồng thời, chủ động phát hiện các bất hợp lý về tổ chức giao thông để kịp thời khắc phục nhằm đảm bảo ATGT trên địa bàn.
Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn, giáo dục kiến thức, quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, thành phố phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động cha, mẹ, người giám hộ nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành Luật TTATGT. Phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm TTATGT khu vực cổng trường. Chỉ đạo các trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT; tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo đảm TTATGT và đưa việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một tiêu chí phân loại thi đua của nhà trường, giáo viên, đánh giá đạo đức học sinh, sinh viên, qua đó góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn.
Rõ ràng, để kiềm chế TNGT trên địa bàn ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh thì ngành chức năng cũng như các đơn vị, chính quyền địa phương cần có những giải pháp hữu hiệu và thực hiện một cách quyết liệt, quyết tâm hơn nữa.
Hà Nam