Bỏ cấp huyện, bỏ tầng nấc trung gian
Kết luận số 137-KL/TW, ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã nêu rõ: Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay kể từ ngày 1/7/2025 sau khi Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Sự thay đổi này được đánh giá mang tính đột phá trong lịch sử, hướng đến một nền hành chính tinh, gọn, mạnh, giảm bớt các tầng nấc trung gian.
Mô hình chính quyền địa phương 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) được duy trì và trở nên quen thuộc trong cuộc sống của mỗi người trong suốt thời gian dài. Nhưng, không phải vì quen thuộc mà mô hình được mặc định giữ nguyên, bất biến trước mọi sự thay đổi của dòng chảy cuộc sống. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ buộc mọi tổ chức, cá nhân không chỉ riêng trong đất nước ta, mà cả trên phạm vi toàn thế giới cũng phải thay đổi để thích nghi với sự phát triển (đơn cử là một số quốc gia hiện nay cũng đang cắt giảm nhân viên, cắt giảm chi phí một số tổ chức, tiến hành hợp nhất một số cơ quan, đơn vị).
Trước đòi hỏi tất yếu của thực tiễn, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ cấp huyện) vừa để “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, tạo dư địa cho sự phát triển mạnh mẽ của từng địa phương, của đất nước, vừa dồn nguồn lực xây dựng hệ thống xã, phường - cấp cơ sở gần dân, sát dân nhất - đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là xu thế của sự phát triển nhằm khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, tổ chức trung gian cồng kềnh; tiết kiệm ngân sách, tạo điều kiện để quy hoạch, phân bổ nguồn lực một cách hợp lý hơn; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền.
|
Quay trở lại xu thế của sự phát triển để thấy bỏ cấp huyện là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay và “càng làm sớm càng có lợi cho nhân dân, cho đất nước”. Trước đây, khi hệ thống giao thông chưa được hoàn thiện, việc đi lại khó khăn, có khi phải mất cả ngày trời mới đi từ trung tâm tỉnh lỵ mới đến được trung tâm của một xã, rồi công nghệ chưa phát triển, hệ thống thông tin liên lạc chủ yếu bằng hình thức thư báo, điện tín, đội ngũ cán bộ cấp xã vừa thiếu lại vừa yếu thì cấp trung gian (cấp huyện) có vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với cơ sở.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã dần kết nối thông suốt giữa các cấp, giữa các địa phương, thu hẹp mọi khoảng cách. Mọi công dân đều được định danh, việc giải quyết các thủ tục hành chính được triển khai theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ. Hạ tầng ở các địa phương ngày càng được đầu tư đồng bộ, đường sá đi lại thuận tiện và ngay trên địa bàn tỉnh 100% số xã có đường ô tô đến được trong hai mùa mưa, nắng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ xã ngày càng được chuẩn hóa, đảm bảo trình độ, năng lực giải quyết công việc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong bối cảnh đó, việc bỏ các tầng nấc trung gian (cấp huyện) sẽ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, giảm các chi phí hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính.
|
Minh chứng về hiệu quả bỏ tầng nấc trung gian có thể thấy rõ ngay từ chủ trương thí điểm không tổ chức công an cấp huyện đã được ngành Công an triển khai từ ngày 1/3/2025. Sau khi xóa bỏ công an cấp huyện, tất cả các nhiệm vụ đều được triển khai thông suốt, không bị đứt quãng. Một số nhiệm vụ công an huyện trước đây đảm nhận đã được chuyển về cho công an xã và một số nhiệm vụ chuyển về công an tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo hướng “Tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở”. Đặc biệt, người dân rất phấn khởi khi một số công việc thường nhật, những vấn đề phát sinh về an ninh, trật tự đã được công an xã trực tiếp giải quyết ngay từ đầu và tại cơ sở.
Để chủ trương xóa bỏ cấp huyện được triển khai thực hiện theo đúng lộ trình, tỉnh ta đã giao Đảng ủy UBND tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan chủ động nghiên cứu, xây dựng Đề án, tờ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy về không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã (Kế hoạch số 196-KH/TU triển khai thực hiện Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/02/2025 và Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư).
Thống nhất quan điểm việc duy trì bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các huyện, thành phố trong tỉnh tin tưởng, kỳ vọng. Với khoảng thời gian còn lại ngắn, chỉ hơn 2 tháng, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao trước thời hạn đã được đặt ra (1/7/2025), đồng thời phối hợp, sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp huyện sau xóa bỏ đảm bảo ổn định nguồn nhân lực cho cấp xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nguyên Phúc