Thế hệ trẻ làng Kon Du giữ hồn tượng gỗ dân gian
Trong khi nhiều địa phương khác ngày càng ít người trẻ quan tâm, gìn giữ văn hóa dân tộc thì những người trẻ ở làng Kon Du đang miệt mài lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại. Trong đó, nổi bật là nghề tạc tượng gỗ dân gian.
Trong thời tiết se lạnh của tháng cuối năm, chúng tôi đến thăm làng Kon Du (xã Măng Cành, huyện Kon Plông). Vừa vào đầu làng đã nghe thấy tiếng lách cách rộn ràng của nhát đục, nhát gõ và âm thanh của tiếng cưa, xẻ gỗ. Những âm thanh này xuất phát từ nhà anh A Thắng (30 tuổi) - một trong những người nặng lòng với văn hóa Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). Anh có 15 năm kinh nghiệm tạc tượng gỗ dân gian truyền thống.
Anh A Thắng được người dân xem như “nghệ sĩ làng”. Chỉ với con dao, chiếc rìu và vài cục than củi, một khúc gỗ ưng ý, qua vài nét gọt đẽo, tô vẽ, anh có thể tạo nên một pho tượng gỗ có hồn. Với anh, tạc tượng gỗ không chỉ tô điểm thêm cho cuộc sống mà còn góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống và là một phần quan trọng trong việc phát triển du lịch.
Theo anh A Thắng, người Mơ Nâm ở làng Kon Du tạc tượng gỗ để tái hiện hình ảnh và tưởng nhớ người thân, người cao tuổi trong làng đã mất. Hình ảnh tượng được tạc thường chọn gắn liền với đời sống, sinh hoạt hàng ngày, có thể là hình ảnh cha mẹ đi làm rẫy, đàn ông cầm rìu, cầm giáo, đánh cồng chiêng, phụ nữ múa xoang, giã gạo, xách nước. Vật liệu để tạc thường là gỗ dổi, sơn đỏ, bởi đây là những cây có khả năng chống mối mọt và chống nứt cao.
|
“Tượng gỗ của người Mơ Nâm có nhiều kích thước khác nhau. Những tượng có kích thước nhỏ, đường kính khoảng 12cm, chiều dài khoảng 20-30cm, thường được người dân cầm mỗi khi múa xoang trong các lễ hội trọng đại của làng. Còn pho tượng lớn có đường kính 30cm, chiều cao 1,3 -1,5m, để trưng bày tại nhà văn hóa, nhà rông hoặc khu du lịch”- anh A Thắng chia sẻ.
Tương tự, anh A Rổ (32 tuổi) sinh ra trong một gia đình có cha là nghệ nhân tạc tượng giỏi ở vùng nên anh cũng rất say mê tạc tượng gỗ dân gian. Hàng ngày theo dõi cha chế tạo, tạc từng pho tượng gỗ nhiều hình thù độc lạ, nên ngay từ nhỏ anh đã rất thích thú với những tác phẩm tượng gỗ của cha. Năm 20 tuổi, từ sự chỉ dạy của cha, cộng với niềm đam mê, tượng gỗ đầu tiên từ chính bàn tay anh làm ra là người đàn ông cầm giáo. Từ đây đã tiếp thêm động lực cho niềm đam mê của anh. Cứ như vậy, anh tự học hỏi và thực hành nhiều lần rồi cũng thành thạo nghề và cho ra nhiều sản phẩm tượng gỗ đặc sắc.
Ngồi chăm chút cho pho tượng mẹ bồng con, anh A Rổ kể lại cách mà anh tìm đến niềm đam mê tạc tượng này. Anh cho biết: Ban đầu chỉ là tò mò, học theo cha, nhưng càng làm, tôi cảm thấy yêu thích công việc này. Bởi mỗi pho tượng đều chứa đựng một phần văn hóa của người Mơ Nâm, mình làm ra nó, đồng nghĩa với việc mình hiểu và nhớ được văn hóa dân tộc. Hơn nữa, khi còn nhỏ tôi có tính ham chơi, nhưng kể từ ngày biết tạc tượng, công việc này còn rèn luyện cho tôi tính kiên trì, nhẫn nại hơn.
Đối với anh A Rổ, tạc tượng là hơi thở, là cuộc sống và trên hết là giữ gìn được nghề truyền thống của dân tộc mình. Điều quan trọng nhất của tác phẩm không phải là sự chuẩn xác của kích thước, mà chính là ý nghĩa được gửi gắm vào pho tượng. Trong các pho tượng, sự biểu đạt trên khuôn mặt chính là điểm nhấn. Nó không những thật mà phải còn giàu cảm xúc, khi nhìn vào, người xem ngầm hiểu được thông điệp pho tượng mang lại.
Điều đặc biệt trong nghề tạc tượng gỗ dân gian ở làng Kon Du ít nơi nào có là hình ảnh những người phụ nữ tay cầm rìu đục, đẽo, tay cầm búa cần mẫn, chăm chú bên tượng gỗ khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
|
Theo nghệ nhân A Gông (43 tuổi, ở làng Kon Du), trong suy nghĩ của không ít người, phụ nữ người Mơ Nâm thường gắn với những nghề như dệt thổ cẩm, làm rượu cần. Từ xa xưa, người Mơ Nâm quan rằng niệm tạc tượng gỗ dân gian là việc thiêng liêng và nặng nhọc chỉ dành cho phái nam; còn phụ nữ là phái yếu, họ uyển chuyển, dẻo dai phù hợp với việc nhẹ nhàng. Lâu dần, việc này đã trở thành một thói quen, như thông lệ trong cộng đồng nên không ai truyền dạy nghề tạc tượng gỗ cho phụ nữ.
Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, các nam thanh niên trong làng đang “dấn thân” vào nghề tạc tượng gỗ ngày càng nhiều bởi không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn giúp bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống. Chính vì thế, các chị em phụ nữ cũng bắt tay vào học nghề để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và mong muốn góp một phần nhỏ trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc.
Chị Y Beng (34 tuổi) là một trong những người phụ nữ đầu tiên biết tạc tượng gỗ tại làng Kon Du. Lúc rảnh rỗi, chị đến nhà nghệ nhân A Gông để nghe kể, nghe giải thích về tượng gỗ. Ngoài ra, chị còn tự tìm hiểu từ những trang sử thi, tài liệu về văn hóa cộng đồng các dân tộc trên mạng Internet. Các kiến thức này được chị ghi nhớ trong đầu, viết đầy cuốn sổ tay và được truyền vào những tác phẩm tượng gỗ của mình làm ra. Các sản phẩm tượng của chị mang đến cho người xem những hình ảnh đơn sơ, mộc mạc về cuộc sống đời thường như: Người mẹ địu con, bồng con, giã gạo, đàn ông cầm giáo, đánh chiêng.
“Ngày đó, không có khái niệm học nghề, mà chủ yếu bắt chước, nhìn nghệ nhân đục, đẽo rồi ghi nhớ và làm theo. Hồi đầu tay chân lóng ngóng, không điều khiển theo ý mình nên hỏng miết. Nhưng tôi không nản chí, kiên trì mày mò, cuối cùng cũng làm được”- chị Y Beng vui vẻ nói.
Vài năm trở lại đây, số lượng người trẻ biết tạc tượng gỗ ở làng Kon Du ngày càng nhiều. Đến nay làng có trên 20 người, trong đó, phụ nữ là 5 người. Bên cạnh đó, nghề tạc tượng cũng mang lại thu nhập khá cho những người trẻ tại làng. Nhưng với họ điều quan trọng nhất là tượng gỗ dân gian ngày càng được sử dụng nhiều hơn tại các khu du lịch, nhà văn hóa…Vì vậy, bao năm qua, nghệ nhân A Gông và những người trẻ làng Kon Du cứ thế rong ruổi khắp các thôn, làng tìm khúc gỗ bỏ đi hoặc trôi dạt trên sông để mang về rồi “biến” nó thành pho tượng độc đáo, có hồn.
Từ năm 2023 đến nay, nghệ nhân A Gông và những người trẻ trong làng đã tạc gần 500 tượng gỗ có hình thù khác nhau cho nhiều khách hàng trên địa bàn huyện Kon Plông. Điển hình như Vườn nghệ thuật Măng Đen (ở thị trấn Măng Đen) được trưng bày hơn 300 tượng gỗ đều là tác phẩm do chính tay các nghệ nhân làng Kon Du làm ra. Ngoài ra, các nghệ nhân còn tạc hơn 100 tượng gỗ cho các nhà hàng, khu du lịch, tiệm cà phê ở thị trấn Măng Đen.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết: Việc thế hệ trẻ làng Kon Du gìn giữ và bảo tồn nghề tạc tượng gỗ dân gian đã góp phần làm sinh động thêm đời sống, nét đẹp văn hóa của người Mơ Nâm trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn phát huy giá trị văn hóa, giới thiệu đến du khách các phong tục, tập quán của người Mơ Nâm thông qua các tác phẩm của mình. Chúng tôi thường xuyên động viên, khích lệ để nghệ nhân có thêm động lực giữ nghề và truyền nghề cho mai sau.
Mai Vàng