Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản
Thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đưa hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) cho triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhà ở dân cư.
|
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tính đến cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 57 giấy phép khai thác cát, đá và đất san lấp. Cụ thể, có 39 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng 1,4 triệu m3, tổng công suất 264 nghìn m3/năm; 13 giấy phép khai thác đá với tổng trữ lượng 4,8 triệu m3, tổng công suất 463 nghìn m3/năm; 3 giấy phép đất san lấp với tổng trữ lượng 4 triệu m3, tổng công suất 1 triệu m3/năm. Qua kiểm tra, hầu hết tổ chức, cá nhân KTKS đảm bảo theo quy mô thiết kế, cơ bản đáp ứng nhu cầu cung cấp VLXDTT trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 36 điểm mỏ trúng đấu giá quyền KTKS đang triển khai các thủ tục pháp lý để được cấp giấy phép KTKS, trong đó có 18 điểm mỏ trúng đấu giá năm 2024 đang lập hồ sơ cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; 4 điểm mỏ đã cấp giấy phép thăm dò, chưa phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 3 điểm mỏ đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản, chưa nộp hồ sơ cấp chủ trương đầu tư; 5 điểm mỏ chưa nộp lại hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Các giấy phép khai thác cát, đất san lấp còn thời hạn khai thác cơ bản đáp ứng nhu cầu VLXD trên địa bàn tỉnh. Riêng các dự án khai thác đá, hiện chỉ còn 13 điểm mỏ đá còn hiệu lực khai thác thuộc địa bàn thành phố Kon Tum, các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy, Đăk Glei; các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai không có mỏ đá. Do vậy, việc cung ứng vật liệu đá trên địa bàn một số huyện chưa đáp ứng đủ nhu cầu; việc vận chuyển đá từ nơi khác làm tăng giá thành, ảnh hưởng đến dự toán thi công các công trình cũng như kinh tế của người dân.
|
Qua kiểm tra tình hình thực tế các mỏ KTKS làm VLXDTT tại các huyện Kon Plông, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum và báo cáo của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm đề nghị các sở Tài chính, Công Thương, NN&MT, Xây dựng, UBND các huyện, thành phố tăng cường giám sát, kiểm tra KTKS; kiểm soát giá cả, việc cung ứng nguồn nguyên vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; đồng thời tham mưu UBND tỉnh có biện pháp xử lý nghiêm minh các chủ đầu tư dự án, các nhà thầu thi công chậm tiến độ công trình, có biểu hiện tiêu cực nhằm nâng cao giá trị dự toán công trình để hưởng lợi.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&MT đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục theo quy định của pháp luật, sớm đưa các điểm mỏ trúng đấu giá vào khai thác theo thiết kế, đáp ứng nhu cầu VLXD, đất san lấp phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hủy kết quả đấu giá, chấm dứt dự án đầu tư đối với các trường hợp sau khi trúng đấu giá quyền KTKS có biểu hiện đầu cơ, chây ỳ, chậm trễ khi thực hiện thủ tục pháp lý, thổi giá, găm hàng, không cung cấp nguồn vật liệu để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn theo như mục tiêu đã đề ra. Kiên quyết xử lý hành vi không thực hiện đóng cửa mỏ theo đúng quy định pháp luật.
Sở Tài chính tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về giá. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán đối với mua bán VLXD, nhất là nguồn vật liệu khoáng sản. Đồng thời, tổ chức thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, phí, tiền cấp quyền KTKS; xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; quản lý chặt chặt việc sử dụng hóa đơn, chứng từ thuế, phí trong hoạt động KTKS.
Sở Công Thương tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh mặt hàng VLXD của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng VLXD; ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh kiểm tra, rà soát các bãi tập kết đá sau nổ mìn tại các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD tại địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Quang Định