Sản xuất cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu
Hiện nay, sản xuất cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là một phương pháp canh tác bền vững, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tăng khả năng chống chịu của cây cà phê, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
|
Những năm qua, việc canh tác cà phê của nông dân trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn như: Thâm canh quá mức; sử dụng phân vô cơ vượt quá khuyến cáo; sử dụng nước tưới cho cà phê chưa thật sự khoa học, vừa gây lãng phí nước và xói mòn, rửa trôi đất. Điều này làm đất trồng cà phê bị suy thoái nghiêm trọng, quá trình chua hóa đất diễn ra nhanh hơn. Cùng với tác động của kỹ thuật canh tác, sản xuất cà phê cũng chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu.
Tất cả những điều này đã làm cho sản xuất cà phê thiếu bền vững, hiệu quả kinh tế giảm sút.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc- Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, biến đổi khí hậu không chỉ làm giảm sản lượng mà còn khiến chi phí sản xuất cà phê tăng cao. Nhiệt độ tăng khiến nhiều vùng trồng cà phê truyền thống không còn phù hợp. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển mạnh, gây hại cho cây cà phê. Đặc biệt, bệnh rỉ sắt, một loại bệnh do nấm gây ra, đang lây lan nhanh chóng ở nhiều vùng trồng cà phê, làm giảm năng suất và chất lượng cà phê.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 31.550ha diện tích trồng cà phê, chiếm hơn 15% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh, thời gian qua, với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có sản xuất cà phê thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo nhân rộng mô hình các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ cho nông dân các giải pháp kỹ thuật canh tác thích nghi với những thay đổi về thị trường, về yêu cầu sản phẩm và về điều kiện khí hậu thời tiết; từ đó giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng thu nhập, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Với hơn 1,5ha cà phê, gia đình ông Phạm Văn Thụ (thôn Bình Minh, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) đã nhận được hỗ trợ hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, cắt cành, tỉa chồi, tưới nước và phân bón của tổ khuyến nông cộng đồng. Đến nay, vườn cà phê của gia đình ông phát triển tốt. Niên vụ 2023-2024, vườn cà phê của gia đình ông tăng năng suất lên gần 20% so với niên vụ trước.
|
Ông Phạm Văn Thụ chia sẻ: “Việc thực hiện sản xuất theo quy trình kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập, gắn với bảo vệ môi trường và sức khỏe của người sản xuất. Từ đó, khuyến khích người dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, áp dụng phương pháp canh tác bền vững, phù hợp với yêu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Theo các chuyên gia, quy trình canh tác cà phê thông minh thể hiện đồng bộ ở nhiều yếu tố về giống, chế độ tưới nước và đặc biệt là chọn các dòng phân bón thông minh với các hoạt chất giúp cây trồng tăng khả năng chống chịu.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc cho biết thêm: Nếu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.
Theo đó, lượng nước tưới cần thiết và vừa đủ cho cây cà phê trong lần tưới đầu tiên là vào khoảng 400-450 lít/gốc. Những lần sau, chỉ cần tưới từ 350-400 lít/gốc là vừa đủ. Tưới nhiều quá sẽ gây lãng phí nguồn nước, đồng thời tăng chi phí đầu tư. Trường hợp, tưới phun mưa thì lượng nước tưới vào khoảng 500-600 lít/cây là vừa đủ.
Khi áp dụng tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa tại gốc, người dân cũng có thể kết hợp bón phân qua hệ thống tưới. Việc này giúp tiết kiệm 30-40% lượng phân bón. Vì vậy, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế.
Về chế độ phân bón, các nhà khoa học khuyến cáo nên bón cân đối hữu cơ và NPK. Chọn các dòng sản phẩm chuyên dùng cho cà phê với thành phần bổ sung các hoạt chất thông minh, giúp cây tăng khả năng chống chịu và cung cấp dinh dưỡng khi cây cần. Điều này sẽ góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng phân bón cho cây trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Như vậy, sản xuất cà phê thông minh không chỉ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê và bảo vệ môi trường. Việc kết hợp công nghệ hiện đại với phương pháp canh tác truyền thống là chìa khóa giúp ngành cà phê phát triển bền vững trong tương lai.
Quốc Tuấn