Đăk Tô: Nông dân thu lợi từ trồng mắc ca xen cà phê
Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đăk Tô đã triển khai trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê mang lại thu nhập ổn định.
Theo ông Tưởng Văn Khanh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đăk Tô, hiện nay, tổng diện tích mắc ca trên địa bàn huyện có hơn 1.200ha; trong đó, trên 50% diện tích là trồng xen canh cà phê. Cây cà phê được người dân canh tác đã lâu, còn cây mắc ca thì mới bắt đầu trồng từ năm 2014. Nhiều năm nay, 2 loại cây trồng này cho thu nhập ổn định.
Gia đình ông Nguyễn Đình Cường (54 tuổi, ở thôn 5, xã Tân Cảnh) trồng 200 cây mắc ca xen trong 3ha cà phê từ năm 2015, đến năm 2021 thì thu bói được 9 tạ quả tươi, ông bán được hơn 40 triệu đồng. Từ năm 2022 đến nay, sản lượng vườn mắc ca của ông tăng dần, mỗi cây cho thu 15-25kg quả tươi. Niên vụ 2024 vừa qua, ông thu được 3 tấn quả tươi. Để nâng cao giá trị, chất lượng hạt mắc ca, năm 2024, gia đình ông đã đầu tư 50 triệu đồng mua máy tách vỏ và lò sấy mini, chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh không bán tươi. Mắc ca thành phẩm bán với giá cao hơn hẳn, từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, hiện mỗi năm gia đình ông thu lợi hơn 100 triệu đồng từ cây mắc ca, sau khi trừ các chi phí đầu tư.
|
“Cây mắc ca phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây, ít tốn công chăm sóc và phân bón như các loại cây trồng khác. Đặc biệt, việc trồng xen còn tận dụng được diện tích đất trống của vườn rẫy, nước tưới, phân bón từ cây cà phê. Bắt đầu từ năm thứ 6 là có thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Việc trồng mắc ca xen cà phê mang lại hiệu quả kinh tế, trong khi chi phí đầu tư lại thấp hơn. Từ năm 2023, gia đình trồng xen canh thêm 100 cây mắc ca trong vườn cà phê với hy vọng sắp tới có thu nhập cao hơn nữa”- ông Cường chia sẻ.
Ở xã Tân Cảnh, cà phê là cây trồng chủ lực, còn mắc ca chủ yếu được trồng xen để vừa chắn gió, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, được huyện hỗ trợ cây giống nên người dân trên địa bàn xã ngày càng phát triển mạnh trồng mắc ca. Vì thế diện tích trồng mắc ca ngày càng lớn và dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực của xã. Đến nay, toàn xã đã phát triển được hơn 121ha mắc ca, trong đó, trên 60% diện tích là trồng xen cà phê.
Ông Mai Huy Hưng - Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho hay: Qua theo dõi cho thấy, cây mắc ca hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, người dân được tập huấn kiến thức, kỹ năng sản xuất và chịu khó đầu tư chăm sóc cây mắc ca trồng xen nên năng suất đạt 15-25kg quả tươi/cây/năm. Mô hình trồng cà phê xen mắc ca giúp hộ dân có thêm thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/ha/năm.
|
Năm 2014, gia đình ông Hoàng Văn Ngoan (58 tuổi, ở thôn Đăk Nu, xã Ngọk Tụ) đưa vào trồng thử nghiệm gần 200 cây mắc ca trên diện tích hơn 1ha cà phê để vừa làm nhiệm vụ che bóng, chắn gió vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Bước đầu do thiếu kinh nghiệm nên gần 20% cây bị chết, chỉ còn lại khoảng 160 cây. Sau gần 5 năm trồng và chăm sóc, cây mắc ca bắt đầu cho quả bói và hiện tại đã cho thu hoạch ổn định với năng suất bình quân khoảng 3-3,2 tạ quả khô/năm. Quả mắc ca được ông tự chế biến, đóng bao và bán ra thị trường với giá từ 180.000 đồng/kg trở lên, mang lại thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm.
Theo ông Ngoan, việc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê không những mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn hạn chế ảnh hưởng do gió lớn, mưa bão, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ cho cây cà phê. Qua đó, giúp cây cà phê sinh trưởng tốt hơn. Ngoài ra, mắc ca là loại cây dễ trồng, gần như không phải chăm sóc. Cây không sâu bệnh, khi chăm cà phê thì tiện tay chăm luôn mắc ca. Mùa thu hoạch lại lệch vụ với cà phê, không cần nhiều công lao động. Đặc biệt, khác với các loại cây ăn quả khác, trồng mắc ca không phải lo về khâu tiêu thụ. Chỉ cần thu hoạch mắc ca, chế biến, đóng gói là có khách hàng đặt mua hết.
Mai Vàng