Toàn dân chống “giặc” Covid-19
Với khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc", cuộc chiến chống Covid-19 không còn của riêng lực lượng nào, mà đã là cuộc chiến của toàn dân, với thế trận toàn dân và tinh thần đoàn kết được phát huy cao nhất.
Những bước chân không mỏi
Cứ 18 giờ mỗi ngày, chị Hòa lại tay đèn, tay sổ rời nhà. Vì là thành viên của Tổ cộng đồng phòng chống Covid-19 của thôn Kon Tu 2 (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum), nên nhiệm vụ của chị là phải “bám từng nhà, rà từng đối tượng”, tuyệt đối không để “người lạ hoặc người từ nơi khác về/đến/ở mà không biết”.
Ra khỏi cổng, chị rẽ vào hẻm 218 trước. Nào, bắt đầu từ nhà đầu tiên. Em ơi! Gì vậy chị? Nhà có ai ở xa đến không? Hôm nay vẫn đi bán hàng à? Nhớ cẩn thận nhé, luôn đeo khẩu trang, hạn chế khách đi. Dặn mấy cháu nhỏ nghỉ hè nên ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài.
À, mà chị dặn, nếu thấy người lạ, hay nhà ai có người nơi khác đến chơi báo cho chị qua điện thoại, hoặc zalo nhé- vừa thuận tay khép cánh cổng, chị vừa nói với chủ nhà.
Cứ thế, theo quy trình: Gọi cổng, hỏi thăm tình hình, dặn dò tuân thủ các quy định phòng dịch. Chị đi đến hộ gia đình thứ 12, cũng là hộ gia đình cuối cùng trong hẻm, hết khoảng 1 tiếng đồng hồ. Lưng áo đã ướt, cổ đã khô. Tiếp tục rẽ vào hẻm khác, nhiều hộ gia đình hơn.
|
Cứ như vậy, hết ngày dài đến đêm thâu, chị Hòa cần mẫn thực hiện hành trình đòi hỏi sự kiên trì ấy với sự tự nguyện và hăng hái hiếm thấy. Tôi hình dung được rằng, mỗi bước chân của chị đang hòa vào vạn vạn bước chân của các thành viên thuộc 2.832 tổ cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn tỉnh.
Chính những bước chân không mỏi ấy đã góp sức dệt nên “thế trận nhân dân” mềm dẻo nhưng vững chắc, hiền hòa nhưng kiên quyết trong ngăn chặn “giặc” Covid-19.
Có thể khẳng định, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", cuộc chiến chống Covid-19 không còn của riêng lực lượng nào, mà đã là cuộc chiến của toàn dân. Cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân đều tham gia chống dịch với tinh thần quyết liệt nhất, trách nhiệm nhất, với tinh thần đoàn kết được phát huy cao nhất.
Và trong đó, do được thành lập từ rất sớm, rất chủ động (từ tháng 8/2020), các tổ cộng đồng phòng, chống Covid-19 đã dệt nên “tấm lưới” trải khắp các khu dân cư, và đã phát huy tốt vai trò của mình.
Với “quân số” gọn nhẹ (mỗi tổ có 2- 3 người, phụ trách từ 30 - 50 hộ gia đình), tổ công tác cộng đồng chính là cánh tay nối dài, là “vũ khí rất lợi hại” trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19.
Dù chưa có số liệu thống kê những gì mà 2.832 tổ cộng đồng trên toàn tỉnh đã làm được, nhưng điều có thể nhận thấy là, với lợi thế “sát làng, sát hộ”, am hiểu địa bàn, tổ cộng đồng đã phát hiện sớm các trường hợp từ nơi khác đến/về/ở địa bàn; không để lọt các trường hợp có biểu hiện như ho, sốt, đau họng, khó thở trong cộng đồng, từ đó giúp cơ quan chức năng giám sát chặt các yếu tố nguy cơ. Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, nhất là thông điệp 5K...
Đặc biệt, các tổ cộng đồng góp phần củng cố thế trận toàn dân thêm vững chắc, biến mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi gia đình là một pháo đài- ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum đánh giá.
“Ai có sức góp sức…”
Thực tế, ngay từ khi dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta, tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã xác định rõ: Dựa vào dân để phòng, chống dịch và chiến thắng “giặc” Covid-19 bằng thế trận toàn dân.
Như bất cứ một cuộc chiến chống giặc nào, luôn có những đội ngũ xông lên tuyến đầu. Đó là những “chiến binh áo trắng” đang nỗ lực hết mình, vắt kiệt sức trong các bệnh viện; những chiến sĩ quân đội, công an trắng đêm canh gác biên thùy, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; những người đang phục vụ bữa ăn, giấc ngủ cho những người bị cách ly- chỉ được biết đến với tên gọi chung “tình nguyện viên”...
Những đóng góp, cống hiến, hy sinh thầm lặng ấy là vô giá!
Lẽ tất nhiên, không phải cứ xông lên tuyến đầu mới là “đánh giặc”. Dù sức khỏe kém, bà Nguyễn Thị Đức Hạnh- một cựu tù chính trị, vẫn tích cực tham gia vận động, tuyên truyền con cháu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Theo bà, đó cũng là “đánh giặc”.
|
Với tư tưởng “ai có sức góp sức, ai có của góp của”, những ngày qua, biết bao nhiêu người đã tích cực góp lương thực, thực phẩm gửi tặng người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Có không ít hộ gia đình, mà tôi biết hoàn cảnh còn khó khăn, vẫn chặt buồng chuối, cắt vườn rau, đào luống củ đem đến tặng cho khu cách ly tập trung.
Đó còn là ý thức tự giác của mỗi người trong việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch ở nơi mình đang sống, ít nhất cũng là “ai ở đâu thì ở yên đấy”. Khi có việc cần thiết phải ra khỏi nhà thì thực hiện 5K; không chen lấn, biết nhường nhịn khi mua hàng…
Với nhiều doanh nghiệp, dịch bệnh hoành hành, cố gắng bảo đảm được việc làm cho người lao động cũng là một cách góp sức. Một chủ doanh nghiệp chia sẻ rằng, dù khó khăn đến mấy, vẫn phải duy trì sản xuất, vì nếu dừng lại, đời sống của hàng chục gia đình công nhân, trong đó chủ yếu là người DTTS, sẽ khốn đốn vì không có thu nhập".
Lịch sử chống giặc của đất nước ta luôn gắn với bốn chữ "chiến tranh nhân dân". Có một giá trị được đúc kết từ lịch sử vệ quốc, đó là mỗi khi có giặc, thì tinh thần đoàn kết được phát huy, sự cống hiến và hy sinh được thể hiện cao nhất.
Với “giặc” Covid-19 cũng vậy. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro, nhưng khi toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.
Hồng Lam