Văn hóa từ chức
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Trong đó, tại Điều 3 “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” có yêu cầu “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.
|
Theo Quy định 144, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên được chia thành năm vấn đề lớn: Một là, yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; hai là, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; ba là, đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; bốn là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; năm là, gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.
Điều 3 “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” (Quy định 144) nêu rõ: Cán bộ, đảng viên cần thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín; khiêm tốn, cầu thị, giản dị, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác. Họ phải nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm.
Từ chức được hiểu là việc xin thôi không đảm đương chức vụ mà một người đang giữ. Nó chỉ có thể xảy ra ở những người giữ chức vụ, quyền hạn và khi người đó nhận thấy mình không đủ uy tín, năng lực, sức khỏe, điều kiện để đảm nhận chức vụ.
Vấn đề từ chức đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị” xác định: “Xây dựng quy chế miễn nhiệm, từ chức để thay thế kịp thời, dễ dàng những cán bộ năng lực và phẩm chất yếu kém, vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín”.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” xác định “thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” nêu: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.
Điều 2, khoản 8, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ: “Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
Đặc biệt, ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc “Miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đã có nội dung điều chỉnh hai hình thức là “miễn nhiệm” và “từ chức”; áp dụng đối với cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.
Trên cơ sở những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa vấn đề từ chức trong các bộ luật và các quy định, như Điều 7, Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008 nêu rõ: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.
Điều 84, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Người được HĐND bầu nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức”.
|
Những năm gần đây, cùng với những chủ trương và chỉ đạo quyết liệt của Đảng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, những đòi hỏi khách quan từ sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hội nhập quốc tế, từ chức đang dần trở thành hành động “bình thường” của người có chức vụ khi không còn năng lực, uy tín bảo đảm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bằng chứng là đã có những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ chức trong thời gian qua, cho thấy sự hiểu biết về bổn phận và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ, là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực của những cán bộ lãnh đạo, quản lý có liêm sỉ, trọng danh dự và dám chịu trách nhiệm đối với sự nghiệp của Đảng và đất nước.
Ở tỉnh ta, cũng đã có những cán bộ lãnh đạo tự nguyện xin nghỉ trước tuổi để tạo điều kiện cho lớp cán bộ trẻ có không gian phấn đấu, rèn luyện và phát triển tốt hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thông báo số 685-TB/TU ngày 1/2/2023 về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật cũng nêu rõ: Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.
Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở nước ta, cán bộ giữ chức vụ trong hệ thống chính trị thực hiện việc từ chức chưa nhiều, chưa phổ biến. Vì vậy, để từ chức trở thành văn hóa, mỗi cán bộ, đảng viên giữ vị trí quản lý, lãnh đạo cần quán triệt sâu sắc các nội dung, yêu cầu tại Quy định 144 ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị.
Tiếp tục nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên; đặt lợi ích của tổ chức và xã hội cao hơn lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ. Tự giác từ chức khi không đủ năng lực, phẩm chất, không còn phù hợp với vị trí lãnh đạo, quản lý, để người khác có khả năng phù hợp tiếp tục thực hiện công việc.
Sông Côn