Phát huy tiềm năng, nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã không ngừng nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực, vững niềm tin, khơi khát vọng để xây dựng tỉnh nhà, xây dựng vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.
Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc; điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.
|
Để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng chung của cả vùng Tây Nguyên như Nghị quyết số 23 đề ra, Kon Tum luôn kiên định với mục tiêu, khát vọng xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Đó là khát khao cháy bỏng, là nguồn động lực để mỗi người dân Kon Tum thêm sức bật mới, quyết tâm mới vì một Kon Tum ngày càng đổi thay, phát triển, góp sức cùng các tỉnh trong vùng Tây Nguyên phát triển toàn diện với một tầm nhìn dài hạn để trở thành vùng kinh tế xanh - hài hòa - bền vững. Theo đó, Kon Tum đã đặt ra hướng đi cụ thể với những kỳ vọng lớn, đi cùng là những giải pháp mạnh mẽ, tạo dư địa để cùng với các tỉnh trong vùng phát triển Tây Nguyên xứng tầm là địa bàn “có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước”.
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà Nghị quyết số 23-NQ/TW đặt ra là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Với quan điểm lấy nội lực (con người, thiên nhiên, bản sắc văn hóa…) kết hợp với ngoại lực (chính sách hội nhập, nguồn vốn, công nghệ, khoa học quản lý…) để triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và các nhiệm vụ đã đặt ra, thời gian qua, tỉnh đã huy động và phát huy hiệu quả được các nguồn lực một cách đồng bộ.
Với tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh nông nghiệp nên khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW với nhóm giải pháp đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế nông, lâm, công nghiệp, nông nghiệp, Kon Tum đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2023, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp là 6.623,27 tỷ đồng, đạt 101,9% kế hoạch được giao, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến đã có sự chuyển biến tích cực, diện tích các loại cây trồng sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đạt khoảng 16.878,7 ha; có 142 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín, xây dựng 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Quan tâm bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các DTTS, nhiều chính sách, dự án, nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức và triển khai hiệu quả đã không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy sức mạnh, giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS mà còn thu hút du khách đến với vùng đất Kon Tum, đến với giá trị văn hóa vừa đa dạng, phong phú, vừa đặc sắc của nhiều dân tộc cùng sinh sống, đặc biệt là 7 DTTS tại chỗ được trao truyền, gìn giữ từ đời này sang đời khác. Ước đến cuối năm 2023, tổng lượt khách đển tỉnh đạt trên 1,13 triệu lượt người (trong đó khách quốc tế đạt trên 3,1 nghìn lượt người) với tổng doanh thu gần 500 tỷ đồng.
|
Với quan điểm vì sự bình yên và phát triển, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân như Nghị quyết số 23-NQ/TW đã đề ra, tỉnh ta luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cùng với việc triển khai hiệu quả các chương trình MTQG của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác của người dân và các chương trình, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội riêng để chung tay góp sức đầu tư hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, năm 2023 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Kon Tum đã đồng sức, đồng lòng vượt qua không ít khó khăn, thách thức, vươn lên đứng đầu Tây Nguyên, đứng thứ 22 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (đạt 7,32%); tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đã đạt tới 18.938,78 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), đạt 97,62% kế hoạch. Đời sống người dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người nâng lên 58,42 triệu đồng, tăng 5,82 triệu đồng so với năm 2022; có 6.258 hộ thoát nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,19%.
Cùng với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, những kết quả đạt được bước đầu của Kon Tum sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW đã tạo động lực, vững niềm tin, khơi khát vọng để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến thật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp sức xây dựng vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.
Nguyên Phúc