Phân công các đơn vị phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” thôn làng ở vùng sâu vùng xa
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch số 133-KH/TU về phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” tại các thôn (làng) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phụ trách, giúp đỡ xây dựng 57 thôn (làng) của 8 xã tại 3 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông. Việc làm này nhằm huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị để triển khai hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” giúp nhân dân tại các thôn (làng) vùng đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu; nâng cao đời sống tinh thần và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Các cơ quan, đơn vị tập trung hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại các thôn (làng), hộ gia đình. Vận động đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 18/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”. Tham gia xây dựng thôn (làng) đạt các tiêu chí nông thôn mới vùng đồng bào DTTS theo Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 28/3/2022 của UBND tỉnh về ban hành bộ tiêu chí về “thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS” trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 - 2025.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh được phân công phụ trách, giúp đỡ thôn (làng);
tổ chức phổ biến, quán triệt về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đối với công tác vận động, tuyên truyền và tham gia xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại các thôn (làng) được phân công phụ trách.
Hằng năm, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã tổ chức rà soát, khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới. Thống nhất kế hoạch chung, nội dung để tổ chức xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.
Phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc… để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn, thực hiện nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn.
Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, đóng góp từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để giúp đỡ thôn (làng) thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới và hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội. Thường xuyên bám sát địa bàn được phân công, tăng cường trao đổi thông tin, tình hình ở cơ sở, đời sống nhân dân để kịp thời đề xuất, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Thành lập mỗi thôn 1 Tổ hỗ trợ, giúp đỡ các thôn (làng) được phân công phụ trách…
Phúc Nguyên