Luật Đất đai sửa đổi: Ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt - Bài 2: Hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp
Bên cạnh mục tiêu nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất, Luật Đất đai sửa đổi còn bảo đảm thực hiện hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Giải quyết vướng mắc, hạn chế
Trước đây, chúng ta có rất nhiều văn bản chính luật về quản lý và sử dụng đất đai. Luật Đất đai đầu tiên có hiệu lực thi hành vào năm 1988. Luật Đất đai này là thể chế hóa những quy định về đất đai của Hiến pháp năm 1980. Luật đất đai năm 1987 đặt nền móng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai đi vào nền nếp.
Vào những năm đầu của công cuộc đổi mới, cho nên Luật Đất đai năm 1987 vẫn còn mang dấu ấn của bao cấp, chưa đề cập đến vấn đề “giá đất”. Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng. Nếu các tổ chức và cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích được giao hoặc để lấn chiếm, hoang hóa thì Nhà nước thu hồi đất.
|
Hiến pháp năm 1992 thể hiện các quan điểm đổi mới mọi mặt về đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước. Tiếp đó là Luật Đất đai năm 1993 ra đời đã thể chế hóa những quan điểm đổi mới về quản lý, sử dụng đất đai mà Hiến pháp năm 1992 đã quy định.
Năm 1998, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai. Tiếp đó bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2003 và năm 2013.
Gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phát huy nguồn lực về đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt là việc sử dụng đất đai có hiệu quả trong phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở các đô thị. Đất đai là cơ sở, nguồn lực tham gia phát triển thị trường bất động sản; các nguồn thu từ thuế sử dụng đất, phí sử dụng đất tăng lên đóng góp vào ngân sách của từng địa phương và cả nước.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa khai thác đầy đủ thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác thu hồi đất, bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư nhiều nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người có đất thu hồi, nhà nước và nhà đầu tư. Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra phức tạp, có những nơi thành điểm nóng về trật tự an ninh - xã hội.
Vẫn còn “kẽ hở” để một số quan chức, địa phương lợi dụng “biến” đất công thành đất tư nhân, chuyển nhượng trái pháp luật đã bị xử lý hình sự vừa qua. Một số phát sinh trong thực tiễn mà Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định điều chỉnh.
Luật Đất đai sửa đổi đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp
Cũng như mọi lần, cứ vào dịp sửa đổi Luật Đất đai, lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo, thì một số người lại đưa ra luận điểm cũ đòi tư nhân hóa đất đai. Họ đòi thay đổi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, đòi lại “đất cũ” của nhà nước đã thực hiện các chính sách về đất đai qua các thời kỳ.
Họ còn lợi dụng những vấn đề mới phát sinh, còn có ý kiến trái chiều để tung tin xấu, tin giả, đưa ra những luận điệu xuyên tạc đường lối, chính sách pháp luật đất đai của Nhà nước.
Trang mạng của các tổ chức phản động lưu vong còn chống phá bằng cách đăng tải nhiều bài viết, thông tin bóp méo sự thật, phủ nhận những kết quả đã đạt được, thổi phồng những sai phạm trong lĩnh vực đất đai để kích động sự mâu thuẫn trong xã hội.
|
Các đối tượng phản động còn bới móc các vụ việc tiêu cực liên quan đến đất đai, tung ra những thông tin không được kiểm chứng, quy chụp, suy diễn các vụ việc liên quan đến đội ngũ cán bộ để gây hoang mang dư luận.
Những luận điệu trên rất xa lạ, lạc lõng với thực tiễn quản lý sử dụng đất đai của nước ta; đi ngược lại với những ý kiến đóng góp nhiệt huyết, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, mong mỏi có một Luật Đất đai sửa đổi chất lượng nhằm điều chỉnh các quan hệ đất đai, góp phần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về đất đai, phục vụ cho phát triển đất nước.
Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do vậy, việc Hiến định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là sự lựa chọn tất yếu và khách quan. Từ Hiến pháp năm 1980 đến Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đến quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Trong các Luật Đất đai đều cho phép người sử dụng đất được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, tặng cho, góp vốn của mình như giao dịch tài sản.
Khi được thực hiện quyền giao dịch này, người sử dụng đất phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định với Nhà nước (như nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Trừ những trường hợp đặc biệt Nhà nước giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
Và đến nay, chúng ta đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và cá nhân đang sử dụng đất đai hợp pháp và làm đầy đủ các nghiệp vụ tài chính với nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật và góp phần khắc phục tình trạng tranh chấp đất đai.
Như vậy, Luật Đất đai sửa đổi đã thực sự bảo đảm thực hiện hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
(Còn nữa)
Hồng Lam