Luật Đất đai sửa đổi: Ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt - Bài 1: Quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất nguồn lực đất đai
Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 18/1 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Ý nghĩa đặc biệt to lớn
Luật Đất đai sửa đổi có 16 chương, 260 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.
Quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai đã có nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế. Việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân cũng được tiến hành nghiêm túc, rộng rãi, với trên 12 triệu lượt ý kiến.
|
Có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước đã mở “mọi kênh” để lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai và tiếp thu tối đa những ý kiến góp ý xây dựng, với mục tiêu cao nhất là để Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi có chất lượng cao.
Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội xem xét dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình, không còn đại biểu Quốc hội nào phát biểu thêm.
Điều này cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai
Mục tiêu chính của Luật Đất đai sửa đổi là hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Đồng thời giải quyết những tồn tại lâu nay và tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, nhiều ý kiến đánh giá Luật Đất đai sửa đổi có nhiều đổi mới, liên quan đến các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; về thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất.
|
Những đổi mới này đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Ví dụ, để thể chế hóa Nghị quyết số 18/NQ-TW và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, Luật Đất đai sửa đổi quy định ban hành bảng giá đất hằng năm. Trước đây, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường.
Việc quy định ban hành bảng giá đất hằng năm tại Luật Đất đai sửa đổi đã khắc phục tình trạng trên, bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.
Luật Đất đai sửa đổi cũng quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành chính để người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện thủ tục.
Hồng Lam