Về xóm chổi đót
Chúng tôi về xóm chổi đót ở xã Kon Đào, huyện Đăk Tô vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Trong không khí tất bật của những ngày cuối năm, ở xóm chổi cũng nhộn nhịp đến lạ. Nhà nhà tranh thủ bó cho hết những mét đót để có chổi nhập cho bạn hàng; nhiều nhà đã “hoàn thành mục tiêu” trong năm lại rộn ràng mua đót làm thêm chổi bán dịp trước tết.
100% thủ công
Trong căn nhà cấp 4 nằm ở thôn 7, xã Kon Đào, dù ánh nắng chiếu xuyên góc nhưng ông Nguyễn Hữu Thái (58 tuổi) - được người dân nơi đây “phong” là nghệ nhân làm chổi - vẫn thoăn thoắt, cần mẫn làm từng cây chổi đót truyền thống. “Vợ chồng tôi tranh thủ làm cho xong mấy trăm cây chổi này để giao sớm cho bạn hàng bán trước tết” - ông Thái phấn khởi.
35 năm gắn bó với nghề làm chổi đót, ông Thái lấy sự hoàn hảo, chất lượng làm thước đo cho sản phẩm. Bất kể công đoạn nào, từ lựa đót, chẻ mây cho đến cột cán, ông đều làm rất tỉ mẩn, cẩn thận. “Với nghề này, dù có nhiều công đoạn nhưng từ chẻ mây, lựa đót, đi đường kẽm, bó cổ, bó cán… tất cả đều được tỉ mỉ làm thủ công” – ông Thái nói.
Là con rể của “ông tổ” nghề chổi ở Kon Đào (ông Võ Văn Cang - người đầu tiên đưa nghề làm chổi đót vào mảnh đất này), ông Nguyễn Văn Thịnh ở tổ 2, xã Kon Đào luôn coi trọng chất lượng của từng cây chổi.
Giơ đôi bàn tay với những vết chai dày từng cục, ông Thịnh nói rằng, làm chổi là một trong những nghề nhàn nhưng… cực. Nhàn bởi người thợ không phải dãi nắng dầm mưa nhưng ngược lại, để làm một cây chổi, phải tốn rất nhiều công sức, và ai không kiên trì, nhẫn nại thì khó có thể bám nghề.
“Có công đoạn cần sự mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng khi bện chổi lại cần rất nhiều sức, người bện phải siết cho thật chặt và đều, cây chổi mới đẹp mắt và bền hơn. Bởi vậy, nhiều khi làm xong một cây chổi, đôi bàn tay cũng rướm máu tự bao giờ” – ông Thịnh nói.
Đầu vào, đầu ra đều gặp khó
Theo lời ông Thái, trước đây nghề làm chổi nơi đây hưng thịnh lắm. Nhất là những năm 1990-1991, khi thị trường chổi được mở rộng sang Campuchia, Lào, chổi rất có giá. “Thời điểm đó hầu như cả làng làm chổi. Khi đó làm cả ngày, cả đêm vẫn không kịp hàng xuất đi” – ông Thái kể.
Nhưng, thời hưng thịnh đó đã khép vào quá khứ. Hiện nay, người làm chổi gặp khó kể cả nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Những người làm chổi nói rằng, nguyên liệu chính để làm nên chổi đót là cây đót. Cây đót chỉ nở vào độ tháng Giêng đến khoảng tháng 2 âm lịch rồi lụi tàn. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, người làm chổi phải đầu tư mua đót.
2 năm trước, khi có đề án “mô hình bó chổi đót tạo sinh kế bền vững”, các hộ dân được vay 25 triệu/ năm (từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), với lãi suất 0,8%/ tháng để mua nguyên liệu. “Đến năm 2014, đề án kết thúc, người dân không được vay nữa nên họ khó khăn trong việc đầu tư mua nguyên liệu để làm chổi” – ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kon Đào cho biết.
Trước thực trạng đấy, nhiều hộ gia đình không có đủ điều kiện để mua nguyên liệu về làm. Ông Lê Lâm, một hộ làm chổi ở thôn 7 cho biết, mỗi năm, gia đình ông phải chuẩn bị gần 100 triệu để mua 200m đót, mua mây, mua kẽm để phục vụ việc làm chổi trong 1 năm. “Bí tiền thì phải mua ít nguyên liệu đi và chấp nhận năm đó thu nhập thấp đi thôi” – ông Lâm kể.
Và không chỉ khó khăn về nguyên vật liệu, thời gian gần đây, các hộ dân làm chổi như ngồi trên đống lửa khi thị trường tiêu thụ chổi rất chậm. Mặc dù trong năm nay gia đình ông Lâm đã bán được hơn 7.000 cây chổi, hiện tại 850 cây chổi mới làm xong sẽ được bạn hàng mua trong nay mai nhưng ông Lâm vẫn nói rằng, lượng chổi năm nay tiêu thụ rất chậm. “Chúng tôi làm xong rồi cứ chất đó, khi nào cần thì họ đến lấy. Nhiều lúc sản phẩm phải gối đầu từ năm này qua năm khác” – ông Lâm cho hay.
Không chỉ vậy, giá chổi năm nay cũng giảm nhiều. “Cách đây mấy năm, 1 cây chổi đã có giá 18.000 đồng, nay vật giá gia tăng mà chổi giảm xuống còn 16.000 đồng. Người làm chổi quần quật cả ngày cũng chỉ kiếm được 100-150 ngàn đồng” – ông Tuấn nói.
Nghề làm chổi đót là “cần câu cơm” chính của vợ chồng ông Thái. Mỗi năm, ông mua vào 100-120m đót (khoảng 30 triệu đồng), ngoài ra ông bỏ ra hơn 10 triệu để đầu tư mua mây khô, kẽm. Từ nguồn nguyên liệu ấy, quần quật quanh năm, vợ chồng ông làm được khoảng 4.800 cây chổi đót.
Ông Thái bảo, cách đây vài hôm, vợ chồng ông mới bán đi 1.000 cây chổi đót cho bạn hàng dưới Gia Lai. “Năm nay chỉ có 16.000 đồng/cây nên thu nhập cũng không bao nhiêu. Trừ chi phí nguyên liệu, họa may vợ chồng tôi chỉ kiếm được khoảng 100-150 ngàn mỗi ngày thôi” - ông Thái kể.
Nhất quyết không bỏ nghề
Mặc dù công việc vất vả, việc tiêu thụ sản phẩm khá khó khăn nhưng 13 hộ dân làm chổi nơi đây khẳng định vẫn bám nghề. Từ đầu cổng, gặp chúng tôi, ông Lê Lâm đã phấn khởi khoe: Ngoài vợ chồng tôi, con trai, con gái tôi, ai cũng có thể tự tay làm được 1 cây chổi hoàn chỉnh, đẹp, bền.
Ông Lâm nói rằng, trong nhà ông, từ cái đũa, cái ly cho đến đám rẫy, ngôi nhà… đều nhờ tiền bán chổi mà sắm được. “Ngày trước khi vào đây, vì quá nghèo nên gia đình nhà vợ không chấp nhận tôi. Lúc đấy, tôi đã học nghề làm chổi rồi làm vài trăm cây chổi chở đi bán. Từ tiền bán chổi đó tôi mới khẳng định được mình, được nhà vợ chấp nhận và tự lo cho đám cưới của mình đấy” – ông Lâm kể.
Cây chổi bén duyên cho vợ chồng ông Lâm, và cũng từ nghề làm chổi, ông Lâm nuôi được 5 người con ăn học đàng hoàng. Rồi nghề chổi đã giúp ông có điều kiện để dựng vợ, gả chồng cho các con của mình.
35 năm làm nghề, dù các sản phẩm làm ra có lúc chất đống, không bán được nhưng ông Thái chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề dù chỉ là thoáng qua trong ý nghĩ. Với ông, cái mùi ngai ngái, cái màu vàng xám buồn buồn của bông cỏ đã là một phần của đời sống, của hơi thở, của chính con người ông. Nhờ nghề làm chổi mà ông có thể mua được rẫy, làm được nhà, tạo kế sinh nhai cho các con. “Dù thế nào thì tôi vẫn giữ nghề. Tôi không bao giờ phụ cái nghề đã nuôi sống gia đình mình” – ông Thái nói.
Vừa rồi, vinh dự được mời đi truyền dạy nghề cho bà con tại xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, ông Thái mừng lắm. Ông Thái rất lo nghề làm chổi truyền thống nơi đây sẽ bị mai một, bởi vậy, khi có người học, ông dốc toàn tâm, toàn lực để dạy. “Các con của tôi ai cũng biết làm nghề này. Chúng tôi chỉ muốn nghề làm chổi được lưu truyền” – ông Thái lo lắng.
Hiện tại, những cây chổi cán nhựa với nhiều màu sắc, vừa tiện lợi, vừa rẻ được ưa chuộng hơn chổi đót. Song ông Thái, ông Thịnh hay vợ chồng ông Lâm vẫn tin tưởng rằng, nay mai chổi đót sẽ tìm được chỗ đứng của mình. “Độ bền của chổi nhựa không bằng chổi đót đâu. Rồi mọi người sẽ nhận ra và sẽ chọn lựa chổi đót thôi” – ông Thái nói.
|
Yêu nghề, giữ nghề nhưng có thực mới vực được đạo, bà con ở xóm chổi, ai nấy đều thiết tha mong muốn trong thời gian đến sẽ được quan tâm hỗ trợ về vốn, hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chổi đót. Bởi chỉ cần có đầu ra ổn định, nghề làm chổi sẽ giải quyết việc làm cho không ít lao động. Hơn nữa, nghề truyền thống này sẽ được tiếp sức, giữ gìn.
Xuân đang về, nhiều gia đình vẫn ngày đêm cần mẫn ngồi xé đót, bện đót, cột cán, làm nên những cây chổi bền, chắc. Dù mồ hôi thấm ướt nhưng trong từng đôi mắt đều ánh lên một niềm tin: nghề chổi đót sẽ được truyền giữ.
Hoài Tiến