Văn hóa báo chí - đôi điều luận bàn
Ngày 21/6/2022, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quyết định số 70a/QĐ-HNB về “Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” và Công văn số 161a/CV-HNBVN ngày 30/6/2022 về việc hướng dẫn triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Ở góc độ người làm báo lâu năm, tôi thấy việc ban hành các nội dung này nhằm nhắc nhở người cầm bút phải luôn tôn trọng, giữ gìn, xây dựng những giá trị chuẩn mực trong hoạt động nghề báo.
Văn hóa là phạm trù lớn bao trùm lên đời sống, từ gia đình ra xã hội, được hình thành trong môi trường học hành, làm việc, sinh hoạt… Đối với người cầm bút, văn hóa báo chí (VHBC) không phải là cái gì quá to tát, mà đó là lời nói, cử chỉ, hành động, sản phẩm báo chí trên mặt báo…, không hô hào khẩu hiệu, không đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc, luôn đặt mình trong khuôn khổ pháp luật, chấp hành quy định chung của người làm báo, quy tắc nghề nghiệp.
Phong trào VHBC có được “khuấy động” lên hay không phụ thuộc vào sự tự nguyện, tự giác của từng cơ quan báo chí, của người đứng đầu tờ báo, của từng hội viên, người làm báo. Việc phát động phong trào thực tế là nhắc nhớ người làm báo cần phải thể hiện rõ quan điểm làm báo đúng đắn, không lệch chuẩn, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ an ninh, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
|
Phong trào VHBC giúp cho mỗi cơ quan báo chí, mỗi lãnh đạo, mỗi người cầm bút nhận thức sâu sắc hơn về sứ mệnh nghề báo - nghề cung cấp thông tin, phục vụ và chinh phục xã hội bằng niềm tin qua sản phẩm báo chí.
Qua hơn một năm triển khai phong trào thi đua VHBC, thử hỏi có bao nhiêu cơ quan báo chí, người cầm bút viết báo đã nhớ đến phong trào. Thực tế, các tiêu chí VHBC không khó nhớ nhưng để người cầm bút thường xuyên quan tâm cập nhật tiêu chí áp dụng vào nghề thì không hẳn, chỉ đến khi có đồng nghiệp vi phạm hoặc có sự kiện liên quan đến VHBC thì chợt nhớ đến. Luật Báo chí, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, tiêu chí VHBC …, là cẩm nang hoạt động nghiệp vụ của mỗi người cầm bút. Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua văn hóa, tiêu chí văn hóa người làm báo là việc cần làm thường xuyên nhằm nhắc nhớ người cầm bút luôn tuân thủ, chấp hành pháp luật, ứng xử văn hóa, đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu nếu muốn “sống” lâu dài với nghề.
Lâu nay, nhiều bài học đau xót từ những đồng nghiệp cầm bút xuất hiện trên các trang báo với thông tin bị bắt tại trận chỗ này, chỗ kia khi đang tống tiền doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Các đối tượng làm báo này moi tiền bằng nhiều cách: nhắn tin, gọi điện thoại hù dọa hoặc thông qua bên thứ ba để tìm cách tống tiền… Không ít người làm báo dạng này không viết nổi một tin bài nhưng nhờ “lẻo mép” đã tìm sơ hở của cá nhân, tổ chức sai phạm moi tiền của họ và trở nên giàu có bất chính; nhưng cũng không ít người làm báo vì áp lực đồng tiền thu nhập ít ỏi, vì áp lực từ người có thẩm quyền quản lý báo chí mà làm những điều trái với lương tâm. Song, nói đi cũng cần nói lại, văn hóa ứng xử của những người làm báo “ăn xổi” có nhiều dạng: trước mặt người bị hại thì nói năng tỏ ra ngọt ngào nhưng quay lưng là họ dùng những lời lẽ cay nghiệt, khinh bỉ; người bị hại không có tiền hoặc không đủ tiền đáp ứng yêu cầu, trước sau họ cũng có những bài viết đẩy cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vào tình thế sống không bằng chết. Một bài báo phản ánh chưa đúng bản chất vụ việc nhưng người làm báo cố tình dùng vài con chữ “lệch lạc, nhạy cảm”, sau khi phát hành sẽ tác động ghê gớm đến tư tưởng độc giả. Một lãnh đạo, một người viết báo chỉ biết trục lợi trên “sai phạm” của người khác để làm giàu cho bản thân, không khác gì còn kền kền ăn xác chết, ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến người làm nghề báo chân chính, tác động mạnh đến xã hội và lan tỏa cái xấu rất nhanh.
|
Việc xử lý người làm báo vi phạm pháp luật đã có cơ quan hữu quan nhưng để lại vết thương lòng, những day dứt đối với lãnh đạo, người quản lý, đồng nghiệp. Không ai bao che cho hành vi sai trái nhưng để xảy ra những trường hợp sai phạm có lỗi chung và lỗi riêng. Lỗi chung của cơ quan cơ báo chí là một phần chưa quan tâm đến đời sống còn quá bấp bênh của người làm báo, bỏ qua hoặc làm lơ cho những sai phạm để đồng nghiệp trượt dài; lỗi riêng là người vi phạm chạy theo áp lực công việc, đời sống bấp bênh, tham lam trước những cám dỗ, có hành vi ngông nghênh, bất chấp đạo đức nghề nghiệp… nảy sinh hành vi tiêu cực.
Kon Tum hiện có 135 hội viên sinh hoạt tại 6 chi hội nhà báo (Báo Kon Tum; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Ban Tuyên giáo; Sở Thông tin - Truyền thông; Văn phòng hội; Thường trú Kon Tum) và 2 câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi, Nhà báo nữ. Hội viên gồm nhiều thành phần dân tộc đến từ nhiều vùng miền, do đó văn hóa cũng có phần khác nhau. Vậy làm gì để hội viên có tiếng nói chung, có cách ứng xử văn hóa, thuận hòa trong hoạt động báo chí.
Để có tiếng nói chung, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo dõi, định hướng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hội viên chuyên tâm làm nghề. Đối với cơ quan báo chí, ngay từ lúc phóng viên vào nghề, lãnh đạo phân công người đi trước dìu dắt về chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn quy tắc tác nghiệp, ứng xử linh hoạt khi đi cơ sở, thích ứng với môi trường làm báo vùng núi nhiều khó khăn, cách trở về địa lý, giao thông … Với cách làm này, hoạt động báo chí Kon Tum luôn duy trì nền nếp, mối quan hệ đồng nghiệp bình đẳng, chân thành, chuyên nghiệp; ứng xử trên mạng xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số có kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh, văn hóa, chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động nghề. Người làm báo Kon Tum thực hiện phong trào VHBC không phải nói suông, nói chung chung mà thể hiện chuẩn mực trong công tác, sinh hoạt, phát ngôn, qua sản phẩm báo chí đăng, phát phục vụ xã hội công tâm và trách nhiệm.
Càng chú trọng đến VHBC, người cầm bút càng phải tự trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, giao tiếp. Phần nhiều văn hóa giao tiếp của người cầm bút ảnh hưởng từ người đứng đầu của cơ quan. Lãnh đạo báo chí càng tạo môi trường thuận lợi cho người cầm bút hoạt động thì sẽ có những bài báo hay, xuất sắc, đảm bảo tuân thủ tính nguyên tắc, tính nghiêm minh của pháp luật.
Muốn nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại thì lãnh đạo báo chí, người cầm bút phải có suy nghĩ, hành động đẹp. Mỗi người cầm bút quyết tâm xây dựng môi trường VHBC, thực hiện tốt các tiêu chí văn hóa của người làm báo là đã xây dựng hình ảnh VHBC “không đồng” rất đẹp trong lòng độc giả và dư luận xã hội.
NGỌC MẪN