Vẫn canh cánh nỗi lo
Tết là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, kéo theo đó là nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) gia tăng. Cũng như mọi năm, câu chuyện về vệ sinh ATTP dịp Tết lại đang trở thành vấn đề “nóng” và được người dân quan tâm.
Còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, như nhiều bà nội trợ khác, cô bạn tôi lại bận rộn với việc lên kế hoạch mua sắm các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình trong dịp Tết. Dường như năm nào cũng vậy, câu chuyện mua mặt hàng nào, ở đâu để vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn, chất lượng, vừa hợp túi tiền giữa muôn vàn chủng loại, nhãn hiệu hàng hóa lại khiến bạn phải trăn trở, suy tính. Bởi theo bạn tôi, Tết là dịp sum họp gia đình, gặp gỡ bạn bè, người thân, nếu chọn thực phẩm không kỹ để xảy ra ngộ độc khi sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người và niềm vui ngày tết sẽ không được trọn vẹn.
Có lẽ, ATTP mùa Tết không chỉ là nỗi lo riêng của bạn tôi mà đây còn là nỗi lo chung của nhiều người, nhiều gia đình.
Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… nhưng tình trạng vi phạm về ATTP tại tỉnh ta cũng như trong cả nước vẫn diễn ra khá phức tạp.
|
|
Chỉ tính riêng trong năm 2023, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 749 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; 165 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh nông thủy sản, qua đó, đã phát hiện và xử lý 103 cơ sở vi phạm. UBND các huyện, thành phố, xã, thị trấn kiểm tra được 4.402 cơ sở ở tuyến huyện và tuyến xã, xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 cơ sở vi phạm. Các vi phạm được phát hiện, xử lý chủ yếu là kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thú y. Người sản xuất, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang đầy đủ đồ bảo hộ; không thực hiện thu gom, xử lý rác thải, chất thải trong vi phạm của cơ sở sản xuất; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng động vật gây hại xâm nhập; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đúng quy định. Vì thế, những lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở.
Tết là mùa mua sắm, tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, từ các mặt hàng tươi sống, đồ khô cho tới các sản phẩm đồ uống. Điều đó, kéo theo nguy cơ các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái sẽ trà trộn tuồn ra thị trường và bán cho người tiêu dùng.
Hơn nữa, càng gần Tết, các sản phẩm tự làm (handmade) thường được gắn với những mác “thực phẩm nhà làm”, “đồ sạch nhà trồng”, “thực phẩm quê an toàn”... cũng được ra chào bán rộng rãi trên các trang mạng xã hội và sôi động không kém gì ngoài chợ, siêu thị. Tuy nhiên, thực tế, các loại thực phẩm này có sạch và an toàn như những lời chào mời, quảng cáo hay không thì khó ai có thể biết được. Vì thế, vấn đề đảm bảo ATTP, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm là hết sức cần thiết.
Nhằm góp phần ngăn chặn thực phẩm bẩn, đảm bảo mọi người, mọi nhà đón Tết an toàn, vừa qua, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP Trung ương đã thành lập đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình tại tỉnh ta. Trên cơ sở đó, đôn đốc, nhắc nhở các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 40 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó, tuyến tỉnh có 1 đoàn; tuyến huyện có 10 đoàn và tuyến xã có 29 đoàn tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh từ ngày 15/1/2024.
Theo đó, các lực lượng tập trung kiểm tra các sản phẩm/nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo; việc chấp hành quy định ATTP của các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, giả, kém chất lượng. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thực phẩm và sử dụng thực phẩm ngày tết là nhu cầu thiết yếu của mọi người, mọi nhà. Đảm bảo ATTP là yếu tố cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân để Tết vui tươi trọn vẹn.
Thiên Hương