Ứng phó với bệnh dại: Không để “bùng dịch” mới “dập”
Ngày 6/3, một con chó lạ đã chạy vào thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly (huyện Sa Thầy), và tấn công 16 con chó, 1 con mèo của 13 hộ dân. Lẽ tất nhiên là “thủ phạm” đã bị xử lý ngay sau đó, nhưng hậu quả để lại đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về phòng, chống bệnh dại.
Thông thường thì “chó lạ vào thôn” sẽ không có gì ghê gớm. Vì đây là tình trạng rất phổ biến, nhất là ở nông thôn. Các quy định pháp luật hiện hành cũng không cấm cá nhân, hộ gia đình nuôi chó.
Nhưng với vụ việc ở thôn Kiến Hưng thì khác, nó để hậu quả khá nghiêm trọng. Kết quả điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm vi-rút dại từ con chó lạ cho thấy nó bị bệnh dại.
Ngay sau đó, công tác phòng, chống bệnh dại được kích hoạt. 17 người trong thôn được đưa đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại; gần 90 con chó, mèo bị tiêu hủy; toàn bộ chó mèo còn lại trong thôn phải tiêm phòng dại.
|
Đáng lo ngại là có 2 hộ dân đã bán 3 con chó bị chó dại cắn cho một hộ dân trú tại thành phố Kon Tum. UBND xã Ya Ly đã liên hệ, thông tin để hộ dân này biết, chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dại để bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi; xử lý dứt điểm, không để lây lan mầm bệnh.
Được biết, các sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã lập đoàn công tác về xã Ya Ly để giúp địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại.
Như vậy là sau 5 năm, kể từ năm 2019, lại xảy ra vụ việc chó dại tấn công nhiều người trên địa bàn tỉnh. Trước đó, tháng 6/2019 đã xảy ra vụ việc đau lòng ở thôn 5, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà khi 5 người dân bị chó dại cắn, trong đó có 1 người tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao nếu không được tiêm vắc-xin phòng ngừa, và hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Báo cáo của Bộ Y tế cho hay, trong năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022; có 500.000 người phải chích ngừa vaccine dại, chi phí 600 tỷ đồng.
Chỉ trong gần 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 17 ca tử vong nghi dại/do dại ở 13 tỉnh, thành phố, tăng 8 ca so với cùng kỳ 2023 (9 ca).
Điều đáng nói là, qua giám sát ca bệnh, 100% các ca tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng vắc xin dại.
Bệnh dại không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng con người mà còn gây tốn kém chi phí điều trị, ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội và các khía cạnh khác của đời sống.
|
Những năm qua, công tác phòng, chống bệnh dại luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng quan tâm triển khai.
Trong đó có ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác tiêm phòng dại cho động vật; bố trí kinh phí truyền thông về phòng, chống bệnh dại; giám sát sự lưu hành của mầm bệnh dại; thực hiện thống kê, lập sổ theo dõi hộ đăng ký nuôi chó, cam kết tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo.
Gần đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3050/KH-UBND ngày 13/9/2023 về phòng, chống bệnh dại trên người giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên công tác phòng, chống bệnh dại hiện còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Đáng lưu ý là đàn chó chủ yếu là thả rông, chưa quản lý được; tỷ lệ tiêm vắc xin dại cho đàn chó tương đối thấp; người dân không đăng ký tiêm phòng dại cho chó.
Ngoài ra, người dân còn chủ quan, thiếu hiểu biết về mức độ nguy hiểm của bệnh dại. Trong khi đó hoạt động giám sát chủ động lưu hành vi rút dại trên động vật chưa được thực hiện đều khắp tại các tuyến; hoạt động tiêm vắc xin phòng dại trên động vật còn nhiều hạn chế.
Theo Sở Y tế, để phòng, chống bệnh dại hiệu quả cần chủ động ngăn ngừa từ sớm, không để “bùng dịch” rồi mới đi “dập”. Muốn như vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dại hàng năm, với những hoạt động cụ thể.
Trong đó, chú trọng hoạt động giám sát bệnh dại tại địa phương; xây dựng kinh phí hỗ trợ tiêm phòng dại cho người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng ưu tiên khác theo quy định.
Quan tâm tập huấn về phòng, chống bệnh dại cho cán bộ, nhân dân; tăng cường công tác giám sát đàn vật nuôi; đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của nhân viên y tế thôn bản trong giám sát, phát hiện sớm các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm bệnh dại.
Xây dựng ít nhất một điểm tiêm phòng dại/huyện, thành phố; thực hiện nghiêm túc việc điều tra thông tin ca bệnh và báo cáo theo quy định.
Thực hiện tốt công tác thống kê, lập sổ theo dõi hộ đăng ký nuôi chó, cam kết tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo.
Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
Đối với người nuôi, cần lưu ý tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần xử lý đúng cách và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để điều trị cho người bị bệnh dại hoặc bị động vật cắn.
Và điều cần luôn luôn ghi nhớ: Bệnh dại trên người có thể phòng, điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại; tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại- văn bản số 814/SYT-NVYD ngày 11/3/2024 của Sở Y tế khuyến cáo.
Hồng Lam