Tu Mơ Rông: Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh người DTTS, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện, ngành Giáo dục huyện Tu Mơ Rông đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình, cách làm phù hợp với đặc thù của địa phương và đối tượng học sinh người DTTS.
Ở Trường Mầm non Đăk Tờ Kan (xã Đăk Tờ Kan) hằng năm có trên 98% trẻ theo học là người DTTS. Để trẻ có nhiều cơ hội được thực hành, khám phá, dần hình thành tính cách mạnh dạn, tự tin, hoạt bát hơn trong giao tiếp, riêng trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 được trang bị kiến thức, rèn luyện các kỹ năng đảm bảo yêu cầu chuẩn bị tiếng Việt, nhà trường đã tập trung tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ của trẻ người DTTS.
|
Đặc biệt, nhà trường còn xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ người DTTS thông qua việc phát động phong trào làm và sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học có sự chung tay của cha mẹ trẻ, đồng thời, sử dụng hiệu quả đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học sẵn có (tranh vẽ, hình ảnh minh họa, video), phát động phong trào xây dựng và tổ chức có hiệu quả môi trường trong và ngoài lớp học thực hiện song ngữ tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Các nhóm, lớp tạo ra môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt tích cực thông qua nhiều hình thức như: tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ trong ngày, tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ - trẻ, giữa trẻ - cô và những người xung quanh. Trong quá trình giảng dạy, các cô đã linh hoạt sử dụng tiếng mẹ đẻ để hỗ trợ trẻ người DTTS khi cần thiết cũng như tăng cường tiếng Việt trong các hoạt động giáo dục khác, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin thể hiện khả năng và tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động. Nhờ vậy, 15/15 lớp của trường đều có môi trường tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ ở trong và ngoài lớp, vốn từ của trẻ tăng lên rõ rệt, trẻ mạnh dạn, tự tin, tích cực chủ động giao tiếp tiếng Việt với cô, với bạn và mọi người xung quanh.
Còn ở Trường THCS BT DTTS Tu Mơ Rông, để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS, nhà trường đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và tổ chức các hoạt động đặc thù phù hợp với đối tượng học sinh DTTS. Thầy Trần Mạnh Thùy- Hiệu trưởng Trường THCS BT DTTS Tu Mơ Rông cho biết: Bên cạnh công tác đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động đặc thù, xem đây là giải pháp quan trọng để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục bền vững ở vùng DTTS. Theo đó, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ cồng chiêng - múa xoang và mời các nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong xã đứng ra truyền dạy cho học sinh; khuyến khích cán bộ, giáo viên và học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc Xơ Đăng trong buổi chào cờ đầu tuần hoặc vào các ngày lễ, ngày hội; tổ chức ngày hội bánh chưng xanh vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, các hội thi, trò chơi dân gian của đồng bào DTTS, xây dựng mô hình “vườn rau bán trú”... thu hút sự tham gia tích cực của học sinh và qua đó từng bước khắc phục cơ bản được tình trạng học sinh bỏ học.
|
Không chỉ ở Trường Mầm non Đăk Tờ Kan, Trường THCS BT DTTS Tu Mơ Rông, mà các đơn vị trường học của ngành Giáo dục huyện Tu Mơ Tông đã triển khai các mô hình, cách làm cụ thể, phù hợp đặc thù của từng trường. Như ở Trường Tiểu học Đăk Hà (xã Đăk Hà) với mô hình nuôi heo để có kinh phí nấu cơm cho các em học sinh người DTTS ở điểm trường Ty Tu; Trường THCS Đăk Tờ Kan (xã Đăk Tờ Kan) triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng thi đầu vào lớp 10 đối với học sinh DTTS của trường...
Với các mô hình, cách làm hết sức cụ thể nên chất lượng giáo dục học sinh DTTS ở huyện Tu Mơ Rông có những chuyển biến tích cực. Theo ông Lê Văn Hoàng- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS trên địa bàn huyện, so với năm học 2020-2021, các chỉ tiêu đề ra đều tăng cao. Đối với giáo dục mầm non, huy động trẻ em DTTS dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt tỉ lệ từ 11,3%, tăng 2,4%; trẻ DTTS 3-5 tuổi đi học mẫu giáo 2.191/2.200 (đạt tỉ lệ 99,6%); trong đó tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi 722/722 (đạt 100%); có 2.121/2.121 trẻ DTTS 3-5 tuổi học mẫu giáo được tăng cường và chuẩn bị tiếng Việt để vào học lớp 1 (đạt 100%). Ở cấp Tiểu học, học sinh DTTS được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học 3.237/3.289 (đạt tỉ lệ 98,4%), tăng 2,2%; riêng học sinh hoàn thành chương trình tiểu học 595/597 (đạt 99,7%), tăng 1,2%. Ở cấp THCS, học sinh DTTS có học lực từ trung bình trở lên 2.146/2.311 (đạt tỉ lệ 92,86%), tăng 1,17%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%; học sinh THCS hoàn thành lớp 9 đạt 92,7%, tăng 1,4%. Những kết quả đạt được đã giúp học sinh người DTTS trên địa bàn huyện hình thành và phát triển những năng lực, phẩm chất mà mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra.
Hà Nam