Trăn trở chuyện lề đường
Sáng nay ra chợ, dì Tư cứ thấp tha thấp thỏm đứng ngồi không yên. Hỏi chuyện, dì mới buông một câu thở dài: “Nghe nói thành phố ra quân dẹp trật tự đô thị mà lo quá! Họ làm thì mình phải chấp hành, mà như vậy thì chẳng biết gia đình phải sống sao”.
Bao nhiêu năm nay, cả gia đình của dì Tư vẫn trông chờ vào gánh hoa của dì bán ở chợ đêm thành phố. Dì tâm sự rằng, những hôm nào không có trật tự đô thị, “trời yên biển lặng”, dì mới bán được. Còn nhiều hôm, ngồi bán nhưng mắt luôn phải ngó dọc ngó ngang, nếu thấy bóng dáng trật tự là phải nháo nhào quàng chân lên cổ, cuốn gói hoa, đồ đạc rồi… chạy.
Dì nói, dì vẫn biết việc buôn bán ở lề đường của mình là sai, nhưng vì đằng sau gánh hàng của dì là cả một gia đình (dì không có chồng và phải nuôi 2 con) nên dì đành phải làm. Thiệt ra dì cũng muốn có một chỗ buôn bán ổn định, dù phải đóng thuế hàng tháng nhưng không phải nhấp nhổm lo sợ. Nhiều lần dì có ý hỏi về địa điểm bán nhưng nhận được câu trả lời “Không có” hoặc được chỉ lên một địa điểm không thuận lợi nên dì đành phải bám ở lề đường để mưu sinh.
Có riêng gì dì Tư, câu chuyện vỉa hè như trở thành đề tài nóng vào sáng nay. Khắp chợ, ai cũng thở ngắn than dài khi nói đến vấn đề này. Không than thở sao được khi đa số những người “bám” vào lòng đường, vỉa hè để sống là người nghèo, mang gánh nặng gia đình. Người buôn bán thì lo lắng còn những người thực hiện lại khá trăn trở. Bởi, phải làm thế nào để dẹp vỉa hè nhưng không triệt nguồn sống, kế mưu sinh của bà con.
Trong Kế hoạch số 29 của UBND thành phố ngày 10/3/2017 có ghi rõ rằng, riêng các tuyến đường xung quanh và tiếp giáp với Trung tâm thương mại: Trần Hưng Đạo (đoạn Lê Hồng Phong – Hoàng Văn Thụ); Hoàng Văn Thụ (đoạn Trần Hưng Đạo – Ngô Quyền); Ngô Quyền (đoạn Hoàng Văn Thụ - Lê Hồng Phong) được phép mua bán trên vỉa hè nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông.
Tức rằng, sắp xếp lập lại trật tự lòng lề đường để thực hiện văn minh đô thị, sạch đẹp vỉa hè, tạo lối thông thoáng cho các làn xe và người đi bộ nhưng vẫn tạo điều kiện cho bà con buôn bán, kiếm sống, hài hòa với câu chuyện kinh tế vỉa hè của người dân.
Chủ trương là vậy nhưng việc thực hiện được hay không vẫn là một điều còn bỏ ngỏ bởi việc dẹp vỉa hè là chuyện muôn năm cũ, được thực hiện từ trước đến nay nhưng rồi… đâu lại vào đấy. Việc thực hiện dù nghĩ đến người dân nhưng đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời, có thể chỉ giải quyết được điều trước mắt. Đơn giản như chợ tạm ở khu vực Quảng trường 16/3, sau bao nhiêu năm ra quân dẹp trật tự nhưng chợ “ngụp” xuống rồi lại “trồi” lên. Mãi đến khi quy hoạch được khu họp chợ mới, có địa điểm buôn bán, bà con mới di chuyển sang địa điểm buôn bán mới, trả lại sự thông thoáng cho quảng trường.
“Giải phóng” vỉa hè, lề đường là việc cần thiết để lập lại trật tự đô thị, văn minh đô thị cũng như đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Nhưng để làm được điều đó, thiết nghĩ phải có giải pháp căn cơ. Tức là, bên cạnh sự quyết liệt, thường xuyên của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong “giải phóng” vỉa hè, phải có địa điểm cho bà con buôn bán, hơn thế, phải định hướng, giới thiệu việc làm để giúp bà con buôn bán, có việc làm ổn định để có đủ điều kiện lo cho gia đình.
H.T