Tôn vinh áo dài Việt
Dù cuộc sống hiện đại, trang phục với nhiều phong cách khác nhau ra đời, song áo dài Việt vẫn hiện hữu trong đời sống và luôn được nhiều chị em phụ nữ ưu tiên trong những ngày lễ, tết hay sự kiện quan trọng. Mặc lên mình chiếc áo dài thêm tự hào về dân tộc, đất nước và con người Việt Nam.
Cả tuần trước, chị bạn làm tại Hội LHPN huyện Sa Thầy đã gọi video thông báo về việc đang chuẩn bị gấp rút cho Hội thi áo dài, trình diễn áo dài trên đường phố. Qua nụ cười, từng câu nói và đôi mắt rạng rỡ, tôi cảm nhận được sự hào hứng, phấn khởi của chị. Chị bảo, chẳng riêng gì mình, mấy hôm nay, khi nhận được kế hoạch về hội thi, chị em phụ nữ trên địa bàn huyện, ai nấy đều phấn chấn, rộn ràng. Nhiều người dù bận bịu với công việc vẫn dành thời gian đi chọn vải, may thêm cho mình những bộ áo dài đẹp nhất.
Không riêng chị em phụ nữ ở huyện Sa Thầy, cả tuần nay, hướng đến Tuần lễ áo dài, chị em phụ nữ khắp nơi trên địa bàn tỉnh cũng nhộn nhịp, rộn ràng. Có chị chuẩn bị vài bộ để chụp hình, tham gia cuộc thi áo dài qua ảnh; có chị chuẩn bị ủi cẩn thận vài bộ để mặc thay đổi trong tuần. Trong những buổi chuyện trò, nhiều chị lại vui vẻ nói với nhau, chẳng hiểu cớ làm sao, cứ mỗi lần có dịp mặc áo dài, tinh thần lại phấn khởi, vui vẻ, rộn ràng đến vậy.
|
Quả thực, khi mặc áo dài, chị em phụ nữ thật dịu dàng, thướt tha, đằm thắm. Dù được may bởi loại vải nào, thiết kế truyền thống hay cách tân, chiếc áo dài đều “có cách riêng” để tôn lên nét đẹp hình thể; toát lên những vẻ đẹp vừa kín đáo vừa duyên dáng, gợi cảm. Có lẽ vì thế mà mỗi lần mặc áo dài, chị em lại thấy mình đẹp hơn, dịu dàng hơn.
Không chỉ tôn lên nét đẹp hình thể, mặc áo dài còn tôn vinh nền văn hóa dân tộc, niềm tự hào của đất nước, con người Việt Nam. Bởi thế, dù cuộc sống có thay đổi như thế nào, áo dài vẫn luôn hiện hữu trong đời sống của người Việt Nam.
Dễ nhận thấy, trong bất cứ lễ nghi quan trọng nào cũng đều có sự hiện diện của áo dài. Áo dài theo các chị, các em vào lớp và đến công sở. Trong những ngày lễ, tết, nhiều chị em ưu tiên chọn áo dài đi trẩy hội, đi lễ chùa. Trong những sự kiện quan trọng của đời người: đám cưới, đám hỏi, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi, áo dài là trang phục chuẩn mực được chọn hàng đầu. Đặc biệt, trên các chương trình thời sự, trong các sự kiện đón tiếp các đoàn khách nước ngoài, hình ảnh áo dài đều gắn liền với phụ nữ Việt.
|
4 năm trở lại đây, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã khởi xướng, phát động hưởng ứng thực hiện Tuần lễ áo dài. Theo đó, phát động các tầng lớp phụ nữ trong cả nước hưởng ứng vào đầu tuần tháng 3 hàng năm để góp phần tôn vinh áo dài Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng, thùy mị của người phụ nữ Việt Nam.
Với ý nghĩa thiết thực, ở tỉnh ta, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã hưởng ứng tích cực. Vào tuần lễ áo dài, chị em mặc áo dài thướt tha đến cơ quan, đơn vị. Các chị em người đồng bào DTTS còn may, mặc các bộ áo dài truyền thống từ thổ cẩm để giữ gìn vẻ đẹp truyền thống.
Quả thực, khi mặc áo dài hay ngắm nhìn mọi người mặc áo dài, lại thấy có gì đó đầy tự hào, nhớ về nguồn cội, thêm yêu quê hương, như kiểu neo lại truyền thống giữa nhịp sống xô bồ. Bởi thế, như bao chị em khác, tôi cũng chọn lấy một bộ áo dài thật đẹp, vừa vặn để cùng với chị em trong cơ quan nói riêng, trong cả nước nói chung hưởng ứng Tuần lễ áo dài, góp phần tôn vinh giá trị áo dài Việt.
Bình An