Tín hiệu vui trong xuất khẩu lao động
Năm 2016, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã triển khai công tác xuất khẩu lao động giai đoạn 2016 – 2020 theo Kế hoạch số 2129/KH-UBND của UBND tỉnh với tỷ lệ lao động mới được tuyển dụng đi lao động nước ngoài đạt 124% chỉ tiêu được giao trong năm.
Có việc làm, tăng thu nhập
Đến nhà anh Nguyễn Duy Thể (ở tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà), 1 trong số 180 người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc đã thực hiện đúng cam kết hợp đồng lao động và trở về nước theo quy định khi hết thời hạn vào cuối 2015. Tiếp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Trăng – vợ của anh Thể cho biết, nhờ làm việc và tuân thủ pháp luật ở Hàn Quốc tích cực, sau khi hết hợp đồng lao động, anh Thể được doanh nghiệp nước ngoài và Bộ Lao động Hàn Quốc trao giấy chứng nhận lao động nước ngoài tiêu biểu.
Tháng 3/2016, anh tiếp tục nộp đơn phỏng vấn và được phía công ty sử dụng lao động cũ ở Hàn Quốc thống nhất ký hợp đồng mới có thời hạn 3 năm, từ 2016 đến 2018. Công việc hiện tại của anh Thể là tham gia vào dây chuyên sản xuất hàng nông sản sạch cung cấp chuyên cho thị trường các nước Đông Âu, Châu Á với thu nhập hơn 24 triệu đồng/tháng (tăng hơn 6 triệu đồng so với trước đây).
|
Chị Trăng cho biết, gần 5 năm cần cù lao động ở nơi xa, chồng chị đã tích cóp được gần 300 trăm triệu đồng. Số tiền có được, anh đã chuyển về chăm lo cho các con học hành tử tế và mua 1 mảnh đất 200 m2 để xây nhà tạm. Còn trước năm 2010, anh chị ở Hải Dương vào thị trấn Đăk Hà lập nghiệp, kinh tế gia đình rất khó khăn. Hai vợ chồng sống nhờ ở nhà người thân, vốn liếng lận lưng chẳng có, đất trồng cây công nghiệp càng không mơ sẽ mua được giữa “thủ phủ” sản xuất cà phê Đăk Hà đang sốt giá.
Lúc đấy, cuộc sống của gia đình 4 khẩu chủ yếu dựa vào sức khỏe của anh Thể đi làm công cỏ, hái cà phê cho rẫy ruộng người dân huyện Đăk Hà. Thấy hoàn cảnh khó khăn của anh, người thân động viên tham gia tư vấn về đi lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út…với mức thu nhập (nếu chịu khó làm việc) có thể đạt 7 – 12 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Thế Vũ – Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 340 người tham gia xuất khẩu lao động. Hầu hết các lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài đều tuân thủ đúng pháp luật của đất nước này, cũng như các quy định về thời gian, nội dung ký kết lao động với các doanh nghiệp 2 bên. Sau thời hạn đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng, người lao động trên địa bàn tỉnh đã trở về nước đúng quy định và được hoàn trả các loại hồ sơ ký gửi.
Xây dựng đội ngũ lao động tay nghề cao
Ông Vũ còn cho rằng, chính các các yếu tố tích cực trên, sẽ giúp cho lao động trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn đối với việc tìm việc làm mới. Ngoài ra, việc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho thu nhập tương đối ổn định 10 – 30 triệu đồng/lao động/tháng. Theo dõi của đơn vị, nhiều người sau thời gian đi làm đã gửi tiền về cho gia đình, giúp cải thiện và thay đổi đời sống kinh tế hộ khá giả hơn.
Ông Vũ còn cho biết, hàng năm, Phòng Lao động việc làm phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và 13 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tiến hành khảo sát, tổ chức các buổi tư vấn, nói chuyện, cung cấp thông tin cần thiết cho người dân. Hoạt động này đã làm tăng chất lượng và tỷ lệ lao động làm việc ở nước ngoài, đảm bảo triển khai có hiệu quả theo Kế hoạch 2129/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra, với chỉ tiêu trung bình mỗi năm có 80 lao động có việc làm mới (trong giai đoạn 2016 – 2020).
Riêng năm 2016, có trên 700 lao động liên hệ với các đơn vị chức năng của ngành Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất được tư vấn, giới thiệu về thị trường lao động, thông tin đơn hàng tuyển dụng như đưa ra sự lựa chọn về nơi làm việc, chi trả lương và các khoản phụ cấp thỏa đáng theo nguyện vọng cá nhân. Thông qua công tác này, 470 lao động nộp hồ sơ đăng ký đi làm việc có thời hạn 2-3 năm ở nước ngoài. Sau khi tham gia các vòng tuyển dụng theo quy định, có 99 người đạt các tiêu chuẩn đi xuất khẩu lao động tại các nước Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Đài Loan. Trong đó, lao động nữ 59 người và dân tộc thiểu số 68 người. Mức lương cơ bản của người lao động được trả 7 – 30 triệu đồng/tháng, tùy vào công việc như xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chăm sóc y tế, chăm sóc việc nhà…
Những yếu tố tích cực trên đã góp phần cho công tác thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu lao động của ngành đạt và vượt 24% so với kế hoạch giao. Đây là tín hiệu vui, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới và đang dần xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề, chuyên môn cao hơn, sau khi người lao động ở tỉnh trực tiếp cọ xát với môi trường việc làm chuyên nghiệp, hiện đại ngoài nước. Mặt khác, sự khởi động tích cực trong hoạt động này đã và đang tạo đà trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thời gian đến, góp phần thực hiện nhiệm vụ xóa nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Mai Trâm