Tiếp sức cho em đến trường
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục dành cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn. Những sự hỗ trợ này đã tiếp sức giúp các em nuôi ước mơ đến trường vững chắc hơn.
Vun đắp những ước mơ
Trong cái rét của những ngày cuối năm 2016, về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), chúng tôi cảm nhận rõ không khí thi đua học tập sôi nổi của học sinh nơi đây. Qua quan sát từng lớp học, sĩ số học sinh trên lớp khá đông đủ.
Ông Trương Văn Quang - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đến cuối học kỳ I năm học 2016 – 2017, toàn trường có 320 học sinh ra lớp. Gần 5 năm qua, học sinh ở trường luôn thực hiện nề nếp chuyên cần đạt khoảng 97%. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm của các cấp về thực hiện các chế độ hỗ trợ giáo dục cho học sinh vùng sâu có sách vở, có bữa ăn bán trú miễn phí. Nhà trường cũng được đầu tư xây dựng và trang bị cơ sở vật chất mới, khang trang với 10 phòng học, đáp ứng tốt điều kiện dạy và học.
|
Em A Minh Tâm – học sinh lớp 9A cho biết, gia đình em thuộc diện hộ nghèo ở xã Măng Ri. Năm 2006, vì kinh tế khó khăn, em suýt phải nghỉ học sớm. Sau đó, nhờ các thầy cô đến nhà động viên, em được đi học lại. Em không phải đóng góp bất kỳ khoản phí nào ở trường, ngược lại còn được nhận tiền hỗ trợ mua đồ dùng học tập và được hưởng chế độ ăn ở bán trú khi đến lớp.
Tâm còn cho biết thêm, có được điều kiện thuận lợi trên, em và các bạn không phải vất vả đi về trong ngày hơn 10km. Một ngày ở trường, em và các bạn được thầy cô hướng dẫn học tập, tham gia hoạt động vui chơi nhiều hơn. Ai cũng muốn đi học, mong được tiến bộ lên.
Chị Y Lớ ở thôn Long Láy (xã Măng Ri) thuộc diện hộ nghèo có 3 người con trai đang ở tuổi cắp sách đến trường. Chị nói: Gia đình tôi có thu nhập chưa đến 2 triệu đồng/người/tháng, cuộc sống quá khó khăn, không có điều kiện chăm sóc các con đủ đầy. Thế nhưng, mỗi mùa tựu trường, các cháu lại được thầy cô giáo cấp sách vở, được hưởng chế độ ăn trưa bán trú ở lớp và được dạy con chữ nhiều hơn ở nhà.
Chị Lớ ước mong, các con chăm ngoan học giỏi, biết vâng lời thầy cô, để nuôi ước mơ thay đổi cuộc sống khá hơn trong tương lai.
Gần 11.500 học sinh/năm học được hỗ trợ
Ông Nguyễn Phúc Phận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Năm 2006 đến nay, có nhiều chính sách của Trung ương và của tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện thuận lợi để đến trường. Cụ thể, mỗi năm học gần 11.500 học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ sách vở miễn phí, được cấp lương thực hàng tháng và được chăm lo chỗ ở bán trú tại trường.
Cũng thông qua các nguồn ưu tiên dành cho giáo dục vùng sâu, ngành Giáo dục và Đào tạo đã thành lập mới 55 trường phổ thông dân tộc bán trú, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cơ bản công tác giáo dục, sinh hoạt cho các em ra lớp.
Theo ông Phận, các chính sách đầu tư trên còn giúp ngành tháo gỡ những hạn chế và khó khăn trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chẳng hạn như, qua hệ thống bán trú ở 55 trường phổ thông dân tộc bán trú, các em học sinh dân tộc được có cơ hội học tập, sinh hoạt và rèn luyện kỹ năng sống trong môi trường giáo dục cộng đồng nhiều hơn.
|
Sau các buổi học chính khóa, phụ đạo - nhà trường thường xuyên tổ chức phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, thực hành kỹ năng đoàn, đội, kỹ năng sống cho các khối lớp tranh tài, phát huy năng khiếu sẵn có của học sinh.
Các thầy cô giáo ở các trường này còn được phân công chăm lo, nhắc nhở các em tham gia tổ chức, sắp xếp nơi ăn, chốn ở, khu vực sinh hoạt, nghỉ ngơi cá nhân nề nếp, hợp vệ sinh. Các em được khuyến khích thi đua trồng, chăm sóc vườn rau xanh, nuôi gà phát triển tốt, để cải thiện và tăng chất dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, những điều kiện thuận lợi của các chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh vùng khó, đã góp phần tăng tỷ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục. Đó còn là tín hiệu vui, là động lực để các thầy cô giáo ở vùng đặc biệt khó khăn thêm niềm tin, động lực vun đắp ước mơ cho học trò vùng khó.
Mai Trâm