Tích cực giải “bài toán” đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS
Những năm qua, việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho bà con đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ đó, giúp người dân ổn định đời sống, sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tích cực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
|
Đảm bảo đất ở, đất sản xuất là một trong những điều kiện quan trọng giúp hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương; đồng thời, triển khai nhiều chương trình, đề án về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS.
Cụ thể, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg (ngày 31/10/2016) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh, đến nay, tỉnh ta đã hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 8.770 lượt hộ.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố chú trọng cân đối, bố trí đảm bảo các chỉ tiêu, nhu cầu sử dụng đất đối với các loại đất vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, triển khai thực hiện các đề án, dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.
Trong đó, có những dự án lớn như Dự án di dời, sắp xếp dân cư tại các xã Tê Xăng, Tu Mơ Rông, Đăk Rơ Ông và một số vùng sạt lở trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông giúp 216 hộ với 648 khẩu vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn an cư lạc nghiệp. Dự án bố trí, ổn định dân di cư tự do và dân cư biên giới huyện Sa Thầy góp phần quyết khó khăn về đất ở và đất sản xuất cho khoảng 35 hộ với 140 khẩu dân di cư tự do khu vực biên giới xã Mô Rai. Đề án di dân, bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện Ia H’Drai đã đưa 100 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu đến điểm dân cư 64, thôn Ia Đơr (xã Ia Tơi) sinh sống ổn định. Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do xã Đăk Long, xã Đăk Nhoong, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, dự kiến bố trí ổn định cuộc sống cho 71 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn…
Theo đánh giá của Ban dân tộc tỉnh, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có đất ở đạt khoảng 98,56%, đất sản xuất ước đạt 98,6% trên tổng số hộ đồng bào DTTS của toàn tỉnh.
|
Ông Đinh Quốc Tuấn- Trưởng Ban dân tộc tỉnh khẳng định: Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS điều kiện làm nhà ổn định, an cư lạc nghiệp. Các hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ đất sản xuất có điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi, góp phần gảm bớt tình trạng thiếu lương thực, nâng cao thu nhập, giảm bớt khó khăn về kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững.
Ngoài chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, các địa phương của tỉnh còn phối hợp tốt với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị- xã hội tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh đã có 1.686 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay này với tổng số tiền gần 78,63 tỷ đồng để làm nhà, phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, thực tế cho thấy, địa bàn cư trú của đồng bào DTTS của tỉnh chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, núi cao nên nhu cầu về đất ở, đất sản xuất là khá lớn. Ngoài ra, hàng năm do ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất bị sạt lở, san lấp; các gia đình trẻ tách hộ, lập vườn nhiều dẫn đến tình trạng một bộ phận hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thiếu đất ở, đất sản xuất. Vì vậy, thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân với mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất trên địa bàn các huyện, thành phố.
Theo ông Đinh Quốc Tuấn, để thực hiện được mục tiêu đề ra, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung rà soát, xác định, nắm bắt danh sách các hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất để triển khai các giải pháp hỗ trợ; trong đó, ưu tiên hỗ trợ từ nguồn thực hiện Dự án 1 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Đồng thời, tập trung vận động, có giải pháp hạn chế tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai trong vùng đồng bào DTTS, nhưng không thực hiện trái với các quy định pháp luật đất đai, pháp luật dân sự hiện hành.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất hiện có, phù hợp trong điều kiện không có đất đai để mở rộng.
Tại những địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương này chuyển nội dung hỗ trợ về đất sản xuất sang hình thức hỗ trợ chuyển đổi nghề, như chăn nuôi bò cái, dê cái sinh sản; mua máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất.
Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành có liên quan và các địa phương, chúng ta hoàn toàn tin tưởng “bài toán khó” về thiếu đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS sẽ có “lời giải” phù hợp, hiệu quả. Từ đó, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thiên Hương