Thao thức Đăk Ring
Rời Đăk Ring đã mấy ngày rồi, nhưng trong đầu tôi vẫn còn hình ảnh Chủ tịch xã Mai Xuân Mậu trầm tư ngồi bó gối bên bếp lửa bập bùng trong đêm khuya. Ai biết được anh đã có bao đêm ngồi thao thức như vậy để tìm hướng đi cho vùng đất khó này...?
Tôi gặp Chủ tịch Mậu lần đầu vào năm 2006, khi anh vừa nhận quyết định tăng cường về làm Chủ tịch xã Đăk Ring (huyện Kon Plông). Thoáng cái mà đã 10 năm, giờ gặp lại mới thấy, thời gian và công việc đã làm anh cán bộ trẻ trung, hoạt bát, sôi nổi ngày nào trở thành “ông” Chủ tịch xã trầm tĩnh, già dặn, luôn sát dân sát việc.
|
Đêm xuân mà núi rừng Đăk Ring vẫn lạnh tê tái cả người. Mọi người quây quần quanh đống lửa cháy rừng rực giữa nhà sàn của A Triệu - thôn trưởng Tăng Pơ. Câu chuyện cứ miên man không đầu không cuối, từ phòng chống rét cho đàn gia súc hơn 1.720 con đến chuyện chăm sóc 142ha lúa vụ đông xuân; từ chuyện nhà A Triệu mới đào thêm được mấy sào ao cạnh suối Măng Lây đến chuyện nhà A Tim được hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi gia cầm...
Nhưng rồi cũng có lúc mọi người ngồi lặng lẽ, ấy là khi tôi kể về chuyện gặp Y Đạo bán cau. Ánh mắt của Chủ tịch Mậu dính vào những ngọn cau cao và mảnh in lên nền trời tối sẫm, chỉ nghe tiếng củi nổ lép bép, tiếng giọt mưa rơi tí tách trên mái ngói. Hồi chiều, trên đường từ thôn Ngọc Hoàng vào xã, đi qua làng Măng Lây, tôi gặp một người phụ nữ đang ngã giá với thương lái mua cau. Hỏi thăm thì biết chị tên là Y Đạo, nhà có hơn chục cây cau, bình quân mỗi cây được 4-5kg quả, thương lái mua với giá 8.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với năm ngoái, Y Đạo vét cả vườn bán được mấy trăm ngàn.
Chủ tịch Mậu trầm tư: Đâu riêng gì nhà Y Đạo, ở Đăk Ring này, gần 500 hộ gia đình, nhà nào mà chẳng có cau, nhiều thì cả vườn, ít cũng vài ba cây, tổng diện tích lên tới 65ha, chưa kể số cau trồng rải rác dọc các con đường. Chuyện tiêu thụ cau hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái từ Quảng Ngãi lên, giá cả phập phù như nước suối Măng Lây. Rồi bời lời, keo, mì... cũng vậy, trồng đã khó, tìm đầu ra còn khó hơn. Cũng là vì Đăk Ring heo hút quá, giao thông cách trở quá...
Mà đúng là Đăk Ring heo hút thật, khó khăn thật. Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, chỉ có con đường độc đạo nối với “bên ngoài” là Tỉnh lộ 676, tiếng là đường nhựa nhưng hẹp và dốc. Hồi chiều chạy xe máy từ Măng Đen vào, đầu óc tôi cứ căng như dây đàn bởi con đường dốc lên dốc xuống thăm thẳm, lớp lớp mây mù giăng trên những đầu núi; rồi vượt suối, qua ngầm, những cơn gió heo hút, lạnh băng xộc ra từ những hẻm núi sâu táp cóng mặt mũi.
Ghé vào điểm trường tiểu học ở thôn Ngọc Hoàng xin nước uống, cô giáo Nguyễn Thị Như Y niềm nở mời chúng tôi ly trà nóng hôi hổi: Mấy hôm nay mưa, may mà không có sạt lở đường, các anh vào đến đây thuận lợi, chứ ở đây bọn em quen với chuyện tắc đường rồi. Như trước tết đấy, Tỉnh lộ 676 sạt lở tới 10 điểm, có những điểm không thể đi qua được, nhất là khúc eo giữa thôn Ngọc Hoàng với thôn Tăng Pơ, nước trôi cả cống, cuốn đứt mặt đường, cả tuần không có xe chở hàng vào, bọn em ăn toàn rau dại luộc chấm mắm...
Đêm càng sâu, lửa bếp càng ấm nồng. Ánh điện hắt ra từ những ngôi nhà nấp kín dưới bóng cây ướt lướt thướt. Câu chuyện rẽ sang chuyện xây dựng nông thôn mới lúc nào không hay. Chủ tịch Mậu khơi gợi: Cho đến nay, Đăk Ring mới đạt được 2/19 tiêu chí mà thôi (cơ cấu lao động và an ninh trật tự xã hội), trong năm 2017 phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí là môi trường và hệ thống chính trị. Như vậy đòi hỏi nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị và người dân, mà cần nhất là xác định được hướng đi phù hợp.
Thế là câu chuyện bàn hướng đi cho Đăk Ring sôi nổi hẳn lên. Già A Nhất góp lời: Trong những năm kháng chiến, Đăk Ring là vùng căn cứ cách mạng, mặc dù gian khổ, hy sinh, nhưng người Ka Dong vẫn kiên trung, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, không tiếc người, không tiếc của, sẵn sàng đóng góp tất cả cho cách mạng. Bây giờ làm ăn thuận lợi, người Ka Dong vẫn cần cù, chịu khó, sao cam chịu nghèo mãi.
Ai cũng nhất trí rằng, không giống như Măng Cành, Đăk Tăng có thể trồng cà phê, rau hoa xứ lạnh, Đăk Ring thì chỉ có thể trồng cau, bời lời, mì, bắp, lúa. Một điều “an ủi” là Đăk Ring có diện tích lúa nước tương đối lớn với 298ha lúa vụ mùa, 142ha lúa vụ đông xuân, 140ha bắp, 230ha mì, lúa gạo đủ dùng, không đói nữa, nhưng nghèo. Vì vậy, không cần “bỏ gần tìm xa”, chạy theo phong trào mà nên tập trung phát huy thế mạnh về sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa...
|
Thôn trưởng A Triệu nói ngắn gọn: Về cây công nghiệp, mình thấy đất Đăk Ring ta phù hợp nhất với cây keo và cây bời lời, chỉ cần cắm xuống là mọc khỏe thôi, không khó như cà phê đâu (mọi người cười ồ), đây cũng là 2 loại cây luôn dễ tiêu thụ, đồng chí Chủ tịch xã xem có thể vận động bà con trồng nhiều hơn không?
Chủ tịch Mậu trầm ngâm: Hiện nay toàn xã có 245ha keo, 307ha bời lời rồi. Đúng là 2 loại cây này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Đăk Ring. Xã đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn, trong đó có bời lời và keo. Vấn đề là các thôn cần tích cực vận động bà con tham gia nhé...
Mọi người ồn ào đồng ý. Cái lạnh tái tê dường như biến mất. Bếp lửa vẫn nhấp nhóa, bập bùng, ánh điện ấm sáng cả rừng đêm. Từ nhà sàn của A Triệu, nhìn hút qua màn mưa có thể thấy bóng đèn dầu le lói từ ngôi nhà đầu thôn Đăk Ang. Xã còn 3 thôn với 126 hộ gia đình chưa có điện - Chủ tịch Mậu đứng phía sau tôi từ lúc nào không hay - Đây cũng là một bài toán nan giải trong quá trình phát triển của Đăk Ring.
Tôi siết chặt tay anh và biết rằng, anh và các cộng sự của anh sẽ còn nhiều, rất nhiều đêm thao thức nữa, vì một Đăk Ring đổi mới...!
Thành Hưng