Tết ý nghĩa với học sinh vùng biên
Hàng trăm học sinh của Trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần và Trường TH-THCS Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) hứng thú khi được trải nghiệm Ngày hội Bánh chưng xanh gắn với phục dựng Lễ “Ou đrôh kleang đeak” (Mừng nước về làng) của đồng bào Ka Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tổ chức tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi.
|
Từ sáng sớm, hàng trăm em học sinh của Trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần và Trường TH-THCS Sa Loong đã rộn ràng nơi sân vận động của xã Sa Loong để tham dự Ngày hội Bánh chưng xanh gắn với phục dựng Lễ “Ou đrôh kleang đeak” (Mừng nước về làng).
Các em nhanh chóng nhập cuộc, hòa mình vào Ngày hội, chia nhau thành các nhóm đến các trại do các thôn dựng lên. Khi lá, sợi lạt cơ bản đủ, thịt đã được cắt nhỏ tẩm ướp gia vị thì Ngày hội bắt đầu
Cô Hoàng Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần cho biết: Mục đích của hoạt động trải nghiệm là mang đến niềm vui cho các em trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời để các em được trải nghiệm các hoạt động trong dịp Tết như gói bánh chưng, chế biến các món ăn truyền thống của các đồng bào DTTS khác nhau và hơn hết là được xem phục dựng Lễ “Mừng nước về làng”. Qua đó, giúp các em hiểu hơn về Tết cổ truyền, văn hóa của các đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Em Y Su Na (lớp 6A, Trường TH-THCS Sa Loong) cho biết: Em ở thôn Giăng Lố 1, nơi đây chủ yếu là đồng bào Xơ Đăng. Đây là lần đầu tiên em được tham gia trải nghiệm tại Ngày hội, được các cô chú hướng dẫn cách làm bánh chưng và cũng gói bánh chưng đón Tết với mọi người.
|
Cũng như Y Su Na, nhiều học sinh mải mê gói bánh dưới sự hướng dẫn của những “người thợ”. Kết thúc buổi gói bánh, mọi người đã gói được hơn 200 chiếc bánh chưng và sẵn sàng chào đón phần phục dựng Lễ “Mừng nước về làng”.
Em Mai Bình Minh (lớp 4E, Trường Tiểu học Số 2 thị trấn Plei Kần) hào hứng: Em đợi phần này từ sáng đến giờ, bởi em chưa bao giờ nghe và được xem Lễ Mừng nước về làng của đồng bào Ka Dong. Khi nghe nhà trường thông báo sẽ được xem người dân trong thôn phục dựng lễ hội này, chúng em rất hào hứng, đây là cơ hội để chúng em hiểu hơn về bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS tại chỗ.
Hướng mắt về sân khấu, Bình Minh bị cuốn hút bởi mô hình nhà rông, cây nêu, cùng bộ cồng chiêng, ghè rượu được bố trí ngay ngắn. Tiếng già làng vang lên, dân làng cùng nhau kéo về dưới mái nhà rông để nghe già làng phân công nhiệm vụ. Bình Minh cùng nhiều bạn học sinh không thể rời mắt với hoạt cảnh trong nghi thức lấy nước giọt đầu tiên.
Những cô gái Ka Dong chưa chồng dùng những quả bầu khô hứng những giọt nước mát đầu tiên từ máng nước với mong muốn Yàng sẽ ban cho dân làng nhiều may mắn, sức khỏe, bình an.
Đến hoạt cảnh đôi nam nữ mới yêu nhau đi gùi nước, Bình Minh cùng các em nhỏ đều cười rộn rã bởi nét diễn tự nhiên, thần thái của 2 “diễn viên”.
Sau khi Lễ phục dựng kết thúc, các em học sinh được trực tiếp lên sân khấu để xem và nghe già làng nói về cách nấu, ý nghĩa của rượu ghè trong các dịp Lễ; được trực tiếp dùng những ống tre, chai nhựa để hứng nước nơi miệng máng; được thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, Mường.
Ông Kiều Quốc Tường – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi cho biết: Việc các trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong dịp Tết gắn với phục dựng các lễ hội đồng bào DTTS trên địa bàn mang lại rất nhiều ý nghĩa cho các em. Qua đó, giúp các em hiểu hơn về Tết cổ truyền của dân tộc, được trải nghiệm các hoạt động mà người dân Việt Nam thường làm trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó còn giúp các em hiểu thêm về bản sắc văn hóa các đồng bào DTTS, giúp các em mở rộng kiến thức để việc học tập thêm phần hiệu quả.
Văn Tùng