Tết về nấu “bánh chưng xanh”
Già A Loi nói, trước đây, bà con chưa quen, chưa chú tâm lắm vào việc nấu bánh chưng đón Tết. Nhưng từ khi được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ thì đã khác. Bây giờ, làm gì thì làm, “Tết đến là phải có nồi bánh chưng xanh”.
Tháp Chạp đã đi qua những ngày đầu tiên, chẳng bao lâu nữa là đến Tết Nguyên đán. Những ngày này, già A Loi- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) tất bật vận động bà con chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh chưng ngày tết.
Là đảng viên đang công tác tham gia sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư (theo Quy định 213-QĐ/TW, ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị), năm nào cũng vậy, tôi đều tham gia hỗ trợ bà con nấu bánh chưng tặng người nghèo trong thôn, trong xóm vui Xuân đón Tết.
|
Tất nhiên là việc đóng góp cùng dân làng gói “bánh chưng xanh” không phải là bắt buộc mà tùy tâm. Nhưng không ai bảo ai, các đảng viên 213 chúng tôi đều nâng cao ý thức chung tay để góp phần mang đến những ngày xuân mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc với bà con, nhất là với những hộ đồng bào DTTS nghèo. Đó cũng là cách để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta “không người dân, hộ dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tôi còn nhớ, cách đây 12 năm, vào cuối năm 2016, Bộ Tư lệnh Quân khu V tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh trên địa bàn tỉnh vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Khi ấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh, các cơ quan kết nghĩa xây dựng xã theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XV về “Tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới” phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức thí điểm Ngày hội Bánh chưng xanh tại 24 điểm thuộc 23 xã của 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Mùa Xuân năm ấy, đã có hàng ngàn cặp bánh chưng được cán bộ, chiến sĩ gói và trao tặng các hộ gia đình DTTS nghèo ở các làng. Chương trình đã mang đến một mùa Xuân đầy niềm vui, đặc biệt đã góp phần lan tỏa ý nghĩa, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về trong mỗi nếp nhà.
Từ thành công của việc thí điểm đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 353-KL/TU thống nhất chủ trương tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh Tết Nguyên đán hàng năm trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
“Và cũng từ đó, bà con làng Kon Rơ Wang cùng với các thôn (làng) đồng bào DTTS trong tỉnh đã bắt đầu gói bánh chưng, bánh tét ngày tết. Từ chỗ ban đầu còn lúng túng, dần dà, mọi người đã gói đẹp hơn, khéo hơn. Không chỉ gói bánh chưng, bánh tét tại nhà rông để tặng người nghèo, các hộ gia đình trong thôn còn gói bánh chưng, bánh tét tại nhà mình để đón Tết, tạo cho không khí ngày tết vô cùng ấm áp và ý nghĩa”- già A Loi nói.
|
Nhận thấy ý nghĩa, sức lan tỏa của chương trình, ngày 27/7/2021, Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 256-TB/TU kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 353-KL/TU, ngày 21/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh Tết Nguyên đán hàng năm trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”, trong đó yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc làm này.
Theo đó, mỗi năm, tỉnh Kon Tum đã dành hàng tỷ đồng để tổ chức gói và trao tặng hàng ngàn chiếc bánh chưng cho đồng bào nghèo đón tết. Điều quan trọng nhất là chương trình đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, địa phương nên sự lan tỏa càng trở nên mạnh mẽ hơn, góp phần giúp bà con đón tết vui tươi hơn, gìn giữ nét đẹp truyền thống trong đón tết cổ truyền của dân tộc.
Từ đó đến nay, hàng năm, mỗi dịp Tết đến Xuân về, những cặp bánh chưng xanh đầy nghĩa tình lại không thể thiếu trong các chương trình hỗ trợ bà con đồng bào DTTS các thôn, làng đón tết. Từ chỗ thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhờ được cán bộ, chiến sĩ đứng ra hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho bà con gói từng chiếc bánh chưng theo khuôn mẫu; đến nay, nhiều chị em phụ nữ ở các thôn, làng đã tự tin gói bánh chưng, bánh tét thành thục.
Nhiều đơn vị còn tổ chức các hội thi gói bánh chưng, bánh tét, trao thưởng cho các đội có thành tích xuất sắc để cổ vũ tinh thần mọi người làm ra những chiếc bánh ngày càng hoàn hảo hơn, vừa đẹp về hình thức, vừa nâng cao hơn về chất lượng.
Thật vui mừng, có thôn làng còn đầu tư làm bếp to, sắm sửa những chiếc nồi to để nấu bánh chưng mỗi dịp Tết đến Xuân về. Như ở thôn Đăk Chum 1, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, bà con đắp hẳn bếp lò bằng đất thật to để tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét.
Trong một lần về làng Kon Drei, xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum), tôi được chị Y Nar vui mừng chia sẻ: Từ khi được cán bộ xuống hướng dẫn làm bánh chưng, bánh tét, năm nào Tết đến Xuân về, mình cũng cùng chị em trong làng háo hức chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng, bánh tét. Những lần đầu còn bỡ ngỡ, sau đó quen tay nên ai gói bánh cũng đẹp, không chỉ để ăn mà còn tặng cho nhau.
Tết đến, trong mỗi nếp nhà người Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, bánh tét. Bánh chưng, bánh tét góp phần làm nên hương vị của ngày tết và đây cũng là dịp để mỗi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Với các làng đồng bào DTTS, gói bánh chưng, bánh tét ngày tết cũng là dịp để tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết, khăng khít hơn.
Bởi thế, mà mỗi năm tháng Chạp “gõ cửa” là già A Loi lại không quên nhiệm vụ tuyên truyền, vận động bà con dân làng chung tay để trên những bếp lửa đỏ có nồi bánh chưng xanh.
Sông Côn