Tết tiết kiệm
Liệu có phải cứ mua sắm thật nhiều, ăn uống cỗ bàn linh đình, trang hoàng nhà cửa thật đẹp thì mới là Xuân, mới là Tết?
Tháng Chạp này, cứ như cuộc sống chỉ mô tả được bằng một từ: Vội.
Người người, nhà nhà vừa hối hả với công việc cuối năm, vừa tất bật với chuyện tết nhất. Đủ thứ việc cần lo, từ sắm sanh thực phẩm, bánh kẹo đến dọn dẹp, tân trang nhà cửa.
Cũng vì thế mà hẳn rằng đây là thời điểm người dân chi tiêu cho việc mua sắm cao nhất trong năm.
Tuy vậy, trong chuyện sắm tết cũng có không ít điều cần bàn. Đặc biệt là sự “vung tay quá trán”, mua sắm quá nhiều và không cần thiết, dẫn đến lãng phí.
|
Năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết đến thăm nhà, tôi đều choáng với mức độ mua sắm, chuẩn bị thực phẩm của gia đình anh. Đi siêu thị, đi chợ, đặt hàng handmade qua mạng xã hội, qua sàn giao dịch điện tử.
Thế là rau củ, bánh chưng, các loại nem chả, thịt, cá, tôm, mực, thịt heo, thịt gà cho đến bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm khô cứ gọi là chất đầy trong tủ lạnh, tủ bếp. Điều xót xa là, ra Tết, phải đến phân nửa trông đó bị hư hỏng phải đổ bỏ đi.
Còn cái khoản cây cảnh, hoa trang trí Tết thì khỏi bàn. Từ mai, đào, quất, đến đa, sung, bưởi, chỉ cần anh thấy hay, thấy đẹp là sẵn sàng “móc hầu bao” ngay.
Năm nay vẫn thế. Tôi góp ý: Bác ạ, em thấy như thế này thì có hơi lãng phí đấy. Bác cứ mua cho cố, hết Tết là đồ tết dư ê hề, ăn tiếp thì ngán, mà đem cho thì không ổn, vì nhiều thứ đã có dấu hiệu hư hỏng, đành phải vứt. Chậu hoa mấy chục triệu đồng kia cũng phải… gửi ra xe rác.
Nhưng anh cười: Ờ thì cả năm chỉ có vài ngày tết, cũng phải sắm sửa cho tươm tất, cho đàng hoàng chứ, vừa phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa để đãi khách. Nếu tiết kiệm, không khéo lại mang tiếng là tết nhất mà lùi xùi, thua chị kém em thì lại xấu hổ.
Chia sẻ chuyện này với một đồng nghiệp, cậu ta cũng cho hay trên thực tế gặp không ít trường hợp như vậy. Và đây là sự lãng phí.
Nhiều gia đình đổ tiền vào sắm tết, không phải vì bản thân hay gia đình thật sự có nhu cầu, mà là để thỏa mãn thói hư vinh, thỏa mãn sự phù phiếm, xa hoa, tâm lý sợ “thua chị kém em” của mình, dẫn đến lãng phí- cậu đồng nghiệp nhìn nhận.
Nhưng liệu có phải cứ mua sắm thật nhiều, ăn uống cỗ bàn linh đình, trang hoàng nhà cửa thật đẹp thì mới là Xuân, mới là Tết?
|
Câu trả lời tùy thuộc vào mỗi người, nhưng theo tôi thì không hẳn. Một cái tết tiết kiệm cũng sẽ tươi vui, đầm ấm, nếu chúng ta không đặt nặng chuyện mua sắm, và nhất là không để lại gánh nặng tài chính cho những ngày sau đó.
Mua sắm, bày biện để có cái Tết chu đáo, trang trọng, đủ đầy là phong tục, là nhu cầu tất yếu của mỗi người, mỗi nhà. Tuy nhiên cần mua sắm vừa đủ, nên cắt giảm tối đa những thứ không cần dùng đến.
Tôi cũng đồng ý rằng, mỗi năm, tết chỉ đến một lần, ai cũng có nhu cầu hưởng thụ thành quả của một năm lao động vất vả. Nhưng nên cân nhắc việc chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Điều đáng ghi nhận là tinh thần ăn tết tiết kiệm, hợp lý đang ngày càng phổ biến. Nhiều người đồng tình rằng, khác với ngày xưa, mong đến Tết để có đồ ăn ngon, quần áo mới, cuộc sống hiện nay đã khá đầy đủ, ngày thường cũng không thiếu gì.
Hơn nữa, cửa hàng, quán xá vẫn mở bán xuyên Tết, không cần phải tích trữ đồ ăn thức uống nhiều. Chính vì vậy không ít gia đình chỉ mua đồ ăn đủ cho 3 ngày Tết, tránh tình trạng dư thừa sau tết, bị hư hỏng phải vứt bỏ, gây lãng phí.
Theo đó, một kế hoạch chi tiêu ngày tết bài bản sẽ không bao giờ thừa, bởi nó sẽ giúp chúng ta xác định rõ những món quan trọng không thể thiếu, cũng như cắt giảm những thứ không thực sự cần thiết, tránh được việc mua sắm ngẫu hứng, nhớ đến đâu mua đến đấy, “vung tay quá trán”.
Về phía các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, dù những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt trong vui Xuân đón Tết. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn việc tổ chức Tết rình rang, thậm chí có sự biến tướng của phong tục ngày tết.
Thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, ngày 6/12/2023, Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1150-CV/TU về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; ngày 26/12/2023, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó nhấn mạnh bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết. Tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết cán bộ lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, người có uy tín trong đồng bào DTTS, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày tết, nhất là ở biên giới, vùng khó khăn đảm bảo thiết thực, tránh hình thức, lãng phí.
Cách đây 64 năm, trong bài viết ‘’Mừng Tết Nguyên đán” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 18/1/1960, Bác Hồ đã viết “Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.
Người căn dặn: ‘’Suốt năm chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân’’.
Để có cái Tết văn minh, giữ được những nét đẹp cổ truyền, chúng ta cần ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác, thực hiện nghiêm các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Đảng, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, loại bỏ thói khoa trương, hình thức, thực hành tiết kiệm trong tổ chức vui Xuân đón Tết.
Như vậy thì Tết cổ truyền của dân tộc mới thực sự vui tươi, an toàn, văn minh.
Hồng Lam