Tết biên cương
Khi chiếc xe bán tải phủ đầy bụi đỏ đỗ xịch trong sân Đồn Biên phòng Sa Thầy (huyện Ia H’Drai) thì trời đã về khuya. Đêm mùng 2 Tết, trời lạnh căm căm, chẳng bù cho ban ngày, nắng và gió khô rạc cả người. Đồn Sa Thầy nằm vững chãi giữa những vạt rừng cao su đen thẫm, đem lại cảm giác bình yên nơi phên dậu đất nước...
Tôi còn đang vặn người “giải mỏi” sau chuyến đi đã nghe loáng thoáng tiếng Trung tá, Chính trị viên Đinh Văn Định và Thiếu tá, Đồn trưởng Nguyễn Quang Thành trao đổi tình hình địa bàn trong ngày Tết. Khi đi trên xe, tranh thủ trao đổi với Đồn trưởng Thành, tôi được biết Đồn Sa Thầy được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài 12,5km (tiếp giáp với xã Nhang, huyện Đun Mia, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia) và 5 cột mốc (từ mốc 20 đến mốc 24). Về nội địa, Đồn phối hợp với các đồn bạn phụ trách xã Ia Tơi và Ia Đal.
Thoáng cái, đã không thấy Chính trị viên Định đâu. Hỏi ra mới biết, anh Định trở lại với anh em trong Tổ công tác địa bàn rồi. Năm nào cũng vậy, các đồng chí trong Đảng uỷ, Chỉ huy Đồn đều phân công nhau xuống địa bàn trực tết cùng anh em, vừa là nhiệm vụ, vừa là động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như Đồn trưởng Thành đây, sáng sớm mai cũng sẽ xuống thôn.
|
Với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, xuống địa bàn còn là dịp gặp gỡ, tuyên truyền nhân dân đón tết an toàn, tiết kiệm, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc cùng tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc. Qua những hoạt động như thế, tình cảm quân dân đã thật sự gắn bó bền chặt theo đúng phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”- Đồn trưởng Thành cười vui.
Vậy Đồn ta chăm lo Tết cho anh em như thế nào? - Tôi tò mò. Anh Thành phấn khởi: Năm nay, được sự quan tâm của cấp trên, của tỉnh, cán bộ chiến sĩ được đón Tết cổ truyền đủ đầy. Đơn vị trích từ quỹ phúc lợi tặng mỗi cán bộ chiến sĩ một suất quà trị giá 1,5 triệu đồng. Ngoài chế độ ăn thêm ngày Tết (47.000 đồng/người/ngày và 3 chiếc bánh chưng/người), đơn vị trích quỹ tăng gia của đơn vị đưa vào bữa ăn thêm 76.000 đồng/người/ngày, cộng với chế độ tiền ăn là 76.900 đồng/người/ngày, như vậy, chế độ ăn trong các ngày Tết của mỗi cán bộ chiến sỹ là 200.000 đồng/ngày. Ngoài ra, đơn vị còn tự túc được nguồn rau xanh, thịt gia cầm, thịt heo đưa vào bữa ăn cho bộ đội.
Đêm biên giới lạnh se sắt. Gió núi thổi u u trên những vạt rừng cao su, những bóng cây chập chờn sương trắng. Càng về khuya, giữa mênh mông đồi núi, cái lạnh vùng cao như khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Thiếu tá Thành giục tôi đi ngủ để sáng sớm mai kịp ra Đồn Mô Rai đi nhờ xe về. Nhưng anh Thành ạ, tôi ngủ làm sao được khi ở bên các anh, những người đã thức, đang thức hàng đêm để giữ gìn đường biên hòa bình, ổn định.
Sáng mùng 3 Tết, khi tiếng kẻng báo thức vang lên, cũng là lúc tôi tạm biệt Đồn Sa Thầy. Trên đường đi, tôi đề nghị tranh thủ ghé vào Đồn Hồ Le. Thiếu tá Đồng Thanh Tĩnh thân tình ôm nhẹ vai tôi, dẫn đi thăm các khu vực cán bộ chiến sĩ sinh hoạt, nghỉ ngơi, hội trường, bếp ăn... Tất cả đều được trang hoàng, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng để đón tết.
Theo Thiếu tá Tĩnh, những ngày cuối năm, có nhiều Đoàn từ tỉnh, huyện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, đến các sở, ban ngành đã đến Đồn chúc Tết, động viên cán bộ chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồn Biên phòng Hồ Le quản lý đường biên giới dài 16,3km, 14 cột mốc (4 cột mốc chính, 10 cột mốc phụ) trên địa bàn xã Ia Đal. Cũng như các năm trước, Tết này Đồn duy trì 70% quân số trực sẵn sàng chiến đấu. Đồn lên lịch và phân công rõ nhiệm vụ cho từng cán bộ chiến sĩ bảo đảm trực 24 giờ/ngày; đồng thời tăng cường phối hợp các lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh, trật tự, cột mốc biên giới.
Từ ngày 30 Tết, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ về các thôn cùng ăn tết với bà con; tổ chức nấu bánh chưng tặng các hộ gia đình nghèo. Đối với người chiến sĩ Biên phòng luôn lấy khẩu hiệu “vui xuân mới không quên nhiệm vụ” làm mục tiêu thì niềm vui của chúng tôi là được chứng kiến nhân dân biên giới ăn tết vui tươi, an toàn, lành mạnh - Trung tá Võ Văn Bình - Đồn trưởng Đồn Hồ Le tâm sự.
Dạo qua khu vực tăng gia của đơn vị, tôi gặp 2 cậu lính trẻ đang lúi húi vun xới luống rau xanh mơn mởn. Trung tá Bình cho biết: Để bảo đảm sức khỏe trong những ngày Tết, cùng với chế độ ăn của cán bộ chiến sĩ được tăng lên, Đồn sử dụng thực phẩm “cây nhà lá vườn”, đó là rau xanh, cá, heo do anh em tăng gia được.
|
Hỏi chuyện thì biết cả A Vỹ và A Bình đều là người thôn Kon Hra Chót (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum), cùng nhập ngũ tháng 2/2016, sau 3 tháng huấn luyện cùng được phân về Đồn Hồ Le. Biết tôi ở thành phố Kon Tum, cả 2 mừng lắm, trò chuyện mãi.
A Vỹ tiết lộ Tết này chưa được về, nhưng em hứa với cha, mẹ và các anh, chị sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để tháng 4/2017 được thưởng phép, về nhà giúp bố mẹ sửa nhà.
Còn A Bình tâm sự: Đây là năm đầu tiên em ăn Tết xa cha mẹ. Mấy ngày gần Tết cũng thấy nôn nao bởi nhớ nhà. thiếu thốn tình cảm ruột thịt. Nhưng rồi được chỉ huy Đồn, đồng đội quan tâm, chia sẻ, em đã vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, yên tâm làm nhiệm vụ. Hơn nữa, em cũng hiểu, không có Tết nào vui hơn Tết chung của nhân dân, của dân tộc.
Như các đồn Biên phòng khác trên địa bàn huyện Ia H’Drai, Đồn Mô Rai nằm trên tuyến đường tuần tra biên giới, trên một ngọn đồi có địa thế đẹp, bao quát cả một vùng rộng lớn. Trên chốt tiền tiêu mờ sương sớm, tôi nhìn thấy những người lính trẻ đang tất bật với công việc. Người chuẩn bị tuần tra canh gác; người tăng gia sản xuất, lo bữa sáng…
Trước cổng đồn, tôi gặp mấy người dân thôn 3, xã Ia Đal lên thăm cán bộ chiến sĩ. Anh Phạm Văn Tình - Thôn phó thôn 3, xã Ia Đal cho biết, do có việc nhà nên lên thăm Đồn hơi muộn. Năm qua, nhờ có sự tuyên truyền, vận động và giúp đỡ của bộ đội biên phòng nên người dân chăm chỉ lao động phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Đặc biệt, ý thức của nhân dân trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc được nâng lên rõ rệt, Tổ an ninh tự quản thường xuyên phối hợp tuần tra biên giới, khi phát hiện những hiện tượng liên quan đều kịp thời thông báo cho tổ công tác và đồn Biên phòng nhanh chóng ngăn chặn, giải quyết.
Thời gian không có nhiều, xe đã nổ máy chờ sẵn nên tôi chỉ kịp hỏi qua Thiếu úy A Hùng - Bí thư Chi đoàn thanh niên Đồn Mô Rai về chuyện Tết. Anh thông báo ngắn gọn: Vui xuân không quên nhiệm vụ, từ ngày 25 Tết, Ban chỉ huy Đồn tổ chức cho cán bộ chiến sĩ ăn tết sớm, sau đó triển khai nhiệm vụ bám địa bàn, cùng nhân dân vui xuân tại các tổ công tác, qua đó tinh thần đoàn kết, gắn bó quân dân ngày càng bền chặt.
|
A Hùng vui vẻ khoe: Trong mấy ngày Tết, bà con cũng rủ nhau đến Đồn chúc tết cán bộ, chiến sĩ. Bên ly rượu xuân nồng nàn, mọi người vui vẻ chuyện trò, từ việc học tập của trẻ em, làm đường giao thông, xoá đói, giảm nghèo, đến việc phối hợp tuần tra đường biên, cột mốc…, khung cảnh đầm ấm như một gia đình vậy.
Xe lăn bánh khi những ánh nắng đầu tiên xuyên qua tán lá cao su. Rời miền biên viễn Ia H’Drai, trong đầu tôi vẫn nhớ lời tâm sự của Thượng tá Trần Đình Hào - Đồn trưởng Đồn Mô Rai: Cán bộ chiến sĩ ở lại trực Tết vẫn luôn cắm chốt, cắm làng, bám dân, đề cao cảnh giác, vững vàng tay súng, gìn giữ sự bình yên nơi phên giậu của Tổ quốc, để cho người thân, bạn bè và nhân dân cả nước yên vui đón chào xuân mới. Với chúng tôi, trực Tết ở đồn vừa là thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả nhưng cũng vừa là để thưởng thức hương vị của mùa xuân biên cương, mùa xuân của cả đất nước...
Bài và ảnh: Thành Hưng