Tất niên xóm và...
Mấy năm trở lại đây, cứ tầm đầu tháng Chạp, các bậc cao niên, người có uy tín của các xóm trên địa bàn thành phố Kon Tum lại đứng ra vận động các gia đình lên kế hoạch: thống nhất các khoản đóng góp, thời gian, địa điểm… cho ngày tất niên xóm. Lúc đầu một vài xóm, dần dà xóm này, xóm kia làm theo… vậy là thành phong trào tất niên xóm.
Thêm thân, thêm thương
Mới đầu tháng Chạp, bà Năm – người cao niên của xóm (xóm trên đường Phạm Văn Đồng, thuộc tổ dân phố 2, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) cùng một số người lớn tuổi trong xóm đến từng hộ gia đình thông báo chủ trương, kêu gọi hưởng ứng cho ngày tất niên của xóm.
Chẳng đợi bà Năm phải nói nhiều, chị Hà ở xóm lanh lẹ: Cả năm mỗi người tất bật mỗi việc, tiếng là hàng xóm láng giềng nhưng chẳng mấy khi được gặp nhau. Tất niên xóm thế này là có dịp gặp gỡ, chia vui sẻ buồn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm thì còn gì vui bằng. Nên nói gì thì gì chứ tất niên xóm nhà cháu thống nhất cao.
Chung quan điểm đó nên chẳng riêng bà Năm, chị Hà, tất cả các hộ gia đình trong xóm đều tham gia nhiệt tình. Quy định đóng theo đầu người, cứ mỗi người tham gia 150 nghìn đồng nên tùy vào điều kiện mà mỗi gia đình có mức đóng cho một hay nhiều người.
Bà Năm bảo rằng, xóm khoảng 30 hộ gia đình thì 100% hộ đều tham gia. Tết này nữa là xóm chúng tôi tổ chức được 3 lần tất niên xóm rồi. Năm đầu tiên còn ít hộ tham gia, mọi chuyện cũng còn lúng túng lắm. Nhưng qua năm sau và năm này nữa, bà con hiểu được ý nghĩa của tất niên xóm trước là cầu mong cho cả xóm một năm mới bình an, tài lộc sau nữa là thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm thì gia đình nào cũng tham gia cả.
“Nói thật là cũng có một vài hộ khó khăn, để có tiền đóng nộp cũng là cả vấn đề, xóm giềng nên chúng tôi hiểu cả. Thông cảm cho những hộ này, chúng tôi vận động bà con chỉ đóng chút ít gọi là, bù qua sớt lại, ai làm ăn được tự nguyện góp nhiều một chút, ai khó khăn thì vài chục nghìn cũng xong, vui và tình cảm vẫn là chính” - bà Năm chia sẻ.
Cũng như ở xóm bà Năm, dọc đường Phạm Văn Đồng, nhiều xóm đã chọn tổ chức tất niên vào ngày 17, 18 âm lịch mới đây, vì trùng thứ Bảy, Chủ nhật để mọi người tham gia được đông đủ. Mức đóng nộp cũng khác nhau, xóm thì phân mức đóng góp theo khẩu tham gia, xóm thì đóng nộp theo hộ.
Về cách thức tổ chức, có xóm thì chung tay nấu nướng, xóm thì đặt thuê luôn toàn bộ… Nhưng dù thuê hay dù nấu thì xóm nào cũng vậy, phải chuẩn bị một mâm cúng đất, cúng xóm do các bậc cao niên, có uy tín đứng ra làm lễ cầu một năm mới mọi người mạnh khoẻ, an khang, xóm làng yên bình, đoàn kết, con cháu trưởng thành, thành đạt.
Cách phân chia xóm để tổ chức tất niên cũng chỉ là tương đối, từ đoạn đường này đến đoạn đường kia, nhiều khi cách nhau con hẻm nhỏ, một lô đất… cũng thành xóm khác. Ấy vậy mới có chuyện có nhà “ham vui”, nằm giữa hai xóm, hết tất niên với xóm trên lại chuyển sang tất niên xóm dưới, rồi cười xòa, mấy khi được vui với xóm làng.
Tình cảm ấy đáng quý lắm. Những lần tất niên xóm là cả xóm lại chung nhau, mỗi người mỗi tay, mỗi người mỗi việc. Ở xóm đường Lê Ngọc Hân (thành phố Kon Tum) năm nay chọn tất niên vào hôm 17 âm lịch. Trùng vào ngày thứ Bảy nên cánh phụ nữ lập danh sách các khoản cần mua sắm, rủ nhau đi chợ từ sáng sớm, trưa về sơ chế để chiều cùng tập trung nấu nướng. Cánh đàn ông kê dọn bàn ghế, chuẩn bị cúng kính cảm tạ trời đất, thổ thần phù hộ độ trì cho cả xóm một năm cũ an lành và cầu mong một năm mới vạn sự như ý.
Anh Vinh - một người dân trong xóm bảo rằng, tổ chức ra cũng vất vả lắm, nhất là mấy chị em nữ, từ đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp… mất cả ngày, thế nhưng chẳng ai từ nan, than vãn cả. Ai cũng bảo, phải duy trì tất niên xóm để xóm làng có dịp gặp gỡ, chia vui sẻ buồn, động viên nhau chí thú làm ăn, xây dựng gia đình no ấm, con cái học hành tiến bộ.
Còn những băn khoăn
Tất niên xóm gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, dần xóa bỏ lối sống “đèn nhà ai nhà nấy rạng” nên nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận từ hầu hết các hộ gia đình.
Thế nhưng, qua nhiều năm và chứng kiến nhiều cuộc tất niên xóm, không ít người thốt lên rằng, vui thì cũng vui thật nhưng ngẫm lui ngẫm tới ít nhiều vẫn còn những băn khoăn.
Băn khoăn trước hết vẫn là chuyện rượu bia. Xóm nào cũng vậy, người nào cũng vậy, lấy lý do mỗi năm chỉ được một lần nên phải vui hết mình. Vui hết mình ở đây nghĩa là không say không về. Vậy là ngoài số bia rượu do xóm chuẩn bị sẵn thì hầu hết các xóm đều có thêm những “nhà tài trợ” bia để xóm làng “vui vẻ”.
Đầu tiên thì thành ý chia vui sẻ buồn, tình thương mến thương, sau vài ly, rượu vào lời ra, trái nhau câu nói, cái nhìn, nhớ “bài lai” vậy là… nên chuyện. Vui đâu chẳng biết, có khi lại hóa buồn vì cự cãi nhau, nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí “sứt đầu mẻ trán” vì xô xát nhau, vì sẵn có tí rượu bia không làm chủ được tốc độ khi tham gia giao thông.
Có xóm sau khi tổ chức gặp mặt, liên hoan, sẵn gặp nhau, sẵn ngấm chút rượu bia, sẵn có một vài “con bạc” máu me cờ bạc, cá độ lại chuyển sang gây dựng sòng, mải mê đỏ đen, ăn thua sát phạt.
Băn khoăn nữa là địa điểm tổ chức. Xóm nào may mắn có đám đất trống hay có nhà khuôn viên rộng, gần hội trường tổ dân phố hay đường cụt, hẻm nhỏ thì chẳng phải bàn. Nhưng, cũng có những xóm, đặc biệt ở khu vực trung tâm thành phố “đất chật người đông” đã đưa hẳn bữa tiệc tất niên ra vỉa hè và thậm chí còn lấn xuống lòng đường làm ảnh hưởng đến mĩ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông.
Còn nhớ trong dịp Tết Bính Thân năm ngoái, đã có xóm ở đường Hùng Vương kê bàn cúng ra gần giữa tuyến đường trong những ngày giáp tết khiến cho bao người đi đường lắc đầu ngao ngán.
|
Không chỉ là chuyện rượu bia, cờ bạc, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, điều khiến không ít người băn khoăn nữa là có những xóm tổ chức dềnh dang, kéo dài đến tận đêm khuya.
Những băn khoăn ấy đã khiến cho không ít người cho rằng tất niên xóm nếu không khéo dễ dẫn đến lãng phí, thiếu văn hóa, văn minh. “Rút kinh nghiệm qua các lần tổ chức, xóm chúng tôi cũng đã bàn tới chuyện thay vì ăn nhậu linh đình, thức ăn thừa mứa, uống say bí tỉ thì cũng với số tiền đóng nộp ấy, làm vừa gọn, dành chút tiền còn dôi dư lại mua ít nhu yếu phẩm gọi là quà tết của cả xóm cho 2-3 hộ khó khăn cho thêm phần ý nghĩa” – bà Năm tâm sự .
Tất niên xóm cốt sao phải nghiêm trang, đầm ấm, vui vẻ nhưng chừng mực để không mất đi ý nghĩa ban đầu. Bởi vậy, thiết nghĩ, các cấp xã, phường trên địa bàn thành phố cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý, giám sát để bà con tổ chức tất niên xóm sao cho thiết thực, lành mạnh, tránh sa vào các hủ tục mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc, gây mất trật tự an toàn xóm làng.
Bình Toàn