“Sợ” phụ huynh
Trường học là nơi “trồng người”, như vậy, ở trường giáo viên không chỉ dạy chữ, mà còn dạy làm người, gieo hạt và vun trồng “đức”. Nhưng một thực tế đáng lo ngại là không ít giáo viên… sợ phụ huynh, vì nhiều nguyên nhân.
Cho đến nay, vụ việc thầy Nguyễn Đình Thiều (Phó hiệu trưởng Trường THPT Hàm Tân, Bình Thuận) bị một phụ huynh học sinh dẫn người đến tận nhà dọa nạt và tấn công dẫn đến trọng thương vẫn đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trước đó, chiều 14/10, ông N.N.A (phụ huynh có con học lớp 11A2) cùng một số người kéo đến nhà thầy Thiều để gây sự vì cho rằng thầy Nguyễn Đình Thiều và các giáo viên khác mời con trai mình lên phòng quản sinh để “xét hỏi” về việc tương tác các tài khoản gán ghép hình ảnh thầy, cô và học sinh của nhà trường là vi phạm quyền học sinh.
Tại nhà thầy Thiều, Lường Đình Luân đã lao vào tấn công khiến thầy Thiều trọng thương, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
|
Sáng 18/10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Lường Đình Luân để điều tra theo quy định pháp luật.
Có thể nói đây là vụ việc khiến dư luận xã hội rất bức xúc, đặc biệt là gây lo lắng, bất an cho đội ngũ nhà giáo.
Rất khó để đưa ra con số thống kê về các vụ việc giáo viên bị hành hung, lý do chủ yếu là “dám đụng chạm đến con cái mình”.
Nhưng lại rất dễ nhận thấy thực trạng là giáo viên ngày càng chịu nhiều áp lực từ phụ huynh, nếu không muốn nói là bị phụ huynh “bắt nạt”.
Không chỉ bị “tác động vật lý”, trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội lên ngôi, tất tần tật đều có thể “ngoi lên” mạng xã hội và lan truyền chóng mặt, giáo viên có thể bị “bóc phốt”, bị “ném đá hội đồng” bất cứ lúc nào, chỉ cần làm phụ huynh phật ý.
Đơn cử, vào đầu năm học, bao giờ mạng xã hội cũng liên tục lan truyền các nội dung do phụ huynh đăng tải “tố” chuyện thu chi, ăn bán trú hay ứng xử của thầy cô.
Đáng chú ý là khi bị “bắt nạt”, giáo viên thường phải một mình chịu đựng áp lực từ nhiều phía. Trước hết là sẽ bị nhà trường, cơ quan quản lý cấp trên yêu cầu làm tường trình, viết báo cáo, kiểm điểm; sau đó là áp lực tâm lý từ phụ huynh, dư luận xã hội.
Câu chuyện mà cô em tôi (đang dạy tại một trường mầm non công lập) gặp phải có thể nói lên thực trạng này.
Buổi trưa, trong khi cô đang dỗ dành một bé trai không chịu ngủ, một bé trai khác chơi trò trèo lên bàn, nhảy xuống đất và bị ngã, hơi bầm ở trán. Ngay sau đó cô giáo vội vàng đưa bé lên phòng y tế, rồi vào viện , đồng thời gọi báo với phụ huynh.
Nhưng khi đến trường, vị phụ huynh này đã làm ầm ĩ lên, bắt cô giáo, nhà trường phải đến tận nhà xin lỗi, nếu không sẽ tung lên mạng. Vụ việc khiến cô giáo mất ăn mất ngủ nhiều ngày. Cũng từ đó, cô giáo chẳng khác nào osin trông trẻ, chỉ dỗ dành chứ không dám la rầy khi các cháu quấy phá.
|
Tôi cũng muốn kể một câu chuyện khác. Bạn tôi là thầy giáo trung học có thâm niên hơn 20 năm đứng trên bục giảng. Trong lớp anh làm chủ nhiệm có một học sinh rất nghịch ngợm và hay trốn học.
Một hôm, cậu bé trốn tiết, giáo viên bộ môn báo chủ nhiệm lớp, anh có gặp riêng cậu để nhắc nhở, và có “dọa” nếu trốn học nữa sẽ báo nhà trường cho nghỉ học.
Nhưng sau đó, cậu học sinh về nói với bố mẹ là thầy giáo chủ nhiệm đuổi học rồi. Thế là phụ huynh mang con lên thẳng trường gặp cô hiệu trưởng chửi mắng, yêu cầu kỷ luật đuổi việc thầy chủ nhiệm. Đồng thời tung thông tin lên mạng xã hội, sau đó, dân tình rần rần lên án giáo viên chủ nhiệm.
Đến lúc đối chất thì mới rõ ràng mọi chuyện. Nhưng vị phụ huynh này cũng không có lấy một lời xin lỗi.
Đáng ngại là sau đó vẫn yêu cầu cho con chuyển lớp. Và ở lớp mới, cậu bé vẫn trốn tiết đi chơi. Giáo viên chủ nhiệm mới ngại đụng chạm với phụ huynh kia nên cũng chẳng muốn quản.
Thực tế, hiện nay, giáo viên gặp rất nhiều “rủi ro”, chỉ cần “hơi đụng chạm” đến học sinh là mạng xã hội đã rần rần phán xử, kết tội giáo viên vi phạm, dù chưa rõ ngọn nguồn câu chuyện- bạn tôi phàn nàn.
Hậu quả là, giáo viên sẽ ngày càng ngại va chạm, sợ phụ huynh nên không dám răn dạy, phạt khi học sinh mắc lỗi, nhất là những học sinh nghịch ngợm- vốn là một trong những nhiệm vụ của “trồng người”.
Trong cuộc sống, chính tôi đã gặp, và thực sự cảm thông nhiều hơn trách móc, những giáo viên “co mình” lại do áp lực của công việc “gieo chữ, trồng người”. Mà lý do chính là sợ… phụ huynh.
Lâu dần, “đội ngũ” giáo viên an phận, ngại va chạm và lựa chọn né tránh những tình huống sư phạm rắc rối, phó mặc cho học trò muốn sao cũng được miễn sao không bị vạ đến thân, sẽ ngày càng đông.
Hậu quả là quy chế nhà trường dễ bị coi thường, nề nếp bị buông lỏng, kéo theo những hậu quả giáo dục khó lường.
Tất nhiên, cũng có không ít giáo viên vi phạm, có hành vi không phù hợp với môi trường sư phạm và phải chịu kỷ luật từ cơ quan chức năng và ngành, chịu sự lên án của dư luận xã hội. Nhưng rõ ràng là, ai cũng có lúc mắc sai lầm, giáo viên cũng vậy.
Điều tôi muốn nói là, phê bình những hành vi thiếu chuẩn mực trong giáo dục là cần thiết, nhưng quá đà, lạm dụng “quyền lực” để ép thầy cô trở nên vô cảm.
Khi đứng trên bục giảng, mong ước chung các thầy cô giáo là nhận được sự tin tưởng, thấu hiểu và đồng cảm của phụ huynh, gia đình và xã hội để vững tâm với nghề, cống hiến vì sự nghiệp trồng người.
Trở lại với câu chuyện của bạn tôi. Với tính cách mạnh mẽ, sự tâm huyết, yêu nghề, yêu trò, anh đã vượt qua để tiếp tục công việc. Nhưng anh tâm sự, vụ việc trên cũng để lại sự ám ảnh tâm lý khá lâu.
Hơn bao giờ hết, tôi hy vọng rằng, giáo viên sẽ được đối xử bằng sự khách quan và khoan dung hơn- anh nói.
Hồng Lam