Sẵn sàng cho năm học mới
Chuẩn bị cho năm học mới 2016 – 2017, Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, đưa các công trình, hạng mục xây dựng, sửa chữa mới về cơ sở vật chất vào sử dụng, bổ sung đầy đủ trang thiết bị dạy và học; đẩy mạnh công tác huy động học sinh đến trường. Đến nay, theo đánh giá của ngành GD&ĐT tỉnh, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới đã cơ bản hoàn tất.
Ưu tiên các nguồn lực cho giáo dục
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kon Tum, tại thời điểm này, ở các địa phương trong tỉnh đều tập trung cho nhiệm vụ hỗ trợ, phối hợp ngành GD&ĐT triển khai các công tác đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, hỗ trợ học sinh có đủ các điều kiện bước vào năm học mới.
|
Tại huyện Kon Plông, ngành GD&ĐT địa phương đã hoàn thành việc rà soát, đăng ký mua 719 bộ đồ dùng học tập, 1.997 bộ sách giáo khoa và 28.119 cuốn vở cho tổng số 2.716 học sinh con hộ nghèo được hưởng chính sách theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ có nội dung miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết, dự kiến năm học mới này có hơn 6.300 học sinh trong độ tuổi đi học được vận động ra lớp. Trừ số lượng học sinh hưởng chế độ hỗ trợ học tập theo quy định, đối với 3.162 học sinh thuộc diện khó khăn và DTTS thiếu sách giáo khoa, vở viết, đơn vị đã chỉ đạo các trường học kêu gọi học sinh ủng hộ sách giáo khoa cũ tặng bạn; đồng thời tham mưu UBND huyện, Hội Khuyến học địa phương kêu gọi các tổ chức và cá nhân quyên góp được 2.175 bộ sách, 27.680 cuốn vở. Mặt khác, ngành Giáo dục huyện đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng mới 12 phòng học, 1 nhà hiệu bộ, 7 phòng ở giáo viên tại 4 trường học.
Theo ông Thắng, huyện đã nỗ lực xóa hết phòng học tạm ở các trường. Hiện tại, địa phương có 32 trường học, với tổng số phòng học kiên cố là 428 và bán kiên cố 50 phòng. Phòng đã bố trí 728 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục thời gian đến.
Ông Hồ Văn Châu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô thông tin, thời gian qua, đơn vị đã phân công cán bộ đi kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới ở các trường trực thuộc. Ngoài nhắc nhở đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình được ghi vốn xây dựng mới, hoặc sửa chữa nhỏ ở các trường học, cán bộ thực hiện luôn công tác truyền đạt, quán triệt tinh thần tiết kiệm trong mua sắm, chi tiêu đúng đề xuất, kế hoạch được phê duyệt và thực hiện khai giảng tiết kiệm, an toàn cho học sinh. Phòng cũng tham mưu UBND huyện trang bị mới 1 phòng máy vi tính gồm 25 máy và bổ sung 215 bộ bàn ghế học sinh đối với các trường học còn thiếu; đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất 32 phòng học ở 11 đơn vị trực thuộc. Cuối tháng 7 vừa qua, ngành Giáo dục huyện hoàn tất việc rà soát, lập danh sách 5.468 học sinh thiếu sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập đang sinh sống ở 5 xã đặc biệt khó khăn: Đăk Rơ Nga, Đăk Trăm, Ngọc Tụ, Pô Kô, Văn Lem để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hỗ trợ năm học mới.
Hoàn tất các điều kiện
Hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới này, Sở GD&ĐT đã gửi văn bản yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố Kon Tum và đơn vị trực thuộc về công tác củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Trong đó, đã thực hiện rà soát, lấy ý kiến và tạo điều kiện thuận lợi đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bên trong lớp học, ngoài sân trường, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh các cấp học. Đến nay, báo cáo từ các phòng GD&ĐT đã hoàn thành các nhiệm vụ chỉ đạo chung, đáp ứng tốt các điều kiện phục vụ năm học 2016 – 2017.
Riêng nhiệm vụ trọng tâm huy động học sinh các cấp ra lớp đảm bảo đạt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT đã và đang triển khai một số giải pháp tích cực như: Phân công cán bộ, giáo viên thực hiện tốt việc tuyên truyền, phối hợp với các đoàn thể, già làng, trưởng thôn, ban đại diện cha mẹ học sinh để huy động học sinh đi học ngay từ những ngày tựu trường đầu tiên; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ngay từ những ngày đầu của năm học, nhằm giúp học sinh mới đến trường, học sinh bước vào đầu cấp học không phải bỡ ngỡ và đảm bảo huy động hết trẻ trong độ tuổi ra lớp.
Theo Sở GD&ĐT, năm học 2016 - 2017, đã phân bổ 6, 3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục đến các trường trực thuộc để thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Từ nguồn vốn này, các trường đã đầu tư trang thiết bị cho 60 phòng học ngoại ngữ (bao gồm 20 phòng tiểu học, 20 phòng THCS, 20 phòng THPT).
Ngoài nguồn kinh phí trên, các huyện, thành phố đã huy động nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách của HĐND tỉnh và nguồn từ các chương trình mục tiêu quốc gia dành cho lĩnh vực giáo dục được hơn 50 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học...
Hiện tại, khó khăn của ngành là biên chế giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho học sinh cơ bản đáp ứng tối thiểu theo quy định hiện hành 1,1 giáo viên/lớp. Đáng chú ý, ở bậc mầm non thiếu hơn 500 giáo viên để bố trí tối đa 2,2 giáo viên/nhóm trẻ; 2,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày theo quy định tại Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV về quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non công lập. Theo ngành GD&ĐT, đơn vị đã có báo cáo UBND tỉnh, để sớm có giải pháp tháo gỡ trong thời gian đến
Riêng đối với học sinh, tổng hợp báo cáo của các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc ngành GD&ĐT tỉnh, các em thuộc hộ nghèo, DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa được hưởng chế độ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, các trường đã hoàn thành công tác rà soát, lấy ý kiến phụ huynh đăng ký mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho các em. Tất cả, công tác chuẩn bị cho ngày tựu trường, khai giảng năm học mới được thực hiện kịp thời, đảm bảo khá đầy đủ các điều kiện để đón học sinh đến lớp.
Mai Trâm