Sắc xuân đang về!
Mùa xuân đang về. Trăm hoa đua nở. Sắc xuân tràn ngập khắp nơi nơi. Hòa vào dòng người đang tất bật cho công việc của những ngày cuối năm, tôi cảm nhận hương vị ngày xuân đang đến gần thật háo hức…
Sắc xuân đang về, tràn ngập trong nhà, ngoài phố. Buổi tối xem ti vi, sáng ra đi làm, đâu đâu tôi cũng nghe người ta bàn luận về chuyện năm hết Tết đến với bao nỗi mừng vui đón chào năm mới và cả sự lo toan, tất bật chuẩn bị cho ngày Tết cận kề.
Một năm trôi qua thật nhanh. Bốn mùa xuân - hạ - thu - đông ở Tây Nguyên dù không phân định rõ ràng nhưng cái tiết trời vào xuân nhè nhẹ, dìu dịu buổi sớm mai hòa lẫn những màn sương giăng trắng xóa, bao phủ những nóc nhà, con đường ở phố núi Kon Tum thì không lẫn vào đâu được.
Sáng cuối tuần, tôi quyết định dành toàn bộ thời gian trong ngày để thư giãn, hưởng thụ và cảm nhận đất trời vào xuân.
Ngồi bên một quán nhỏ ở góc phố, chị Hà - chủ quán tranh thủ pha cà phê cho khách xong rồi chạy vào nhà mang mấy sàng củ kiệu, đu đủ, cà rốt, hành tím đã được cắt tỉa đẹp mắt ra trước hiên nhà phơi nắng.
Chị nói với chúng tôi, các thứ này để làm dưa món bởi ngày Tết trong gia đình chị thì nhất định không thể thiếu “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.
Xem ra, 20 năm xa cái làng quê ở Quảng Ngãi lên đây lập nghiệp, chị Hà vẫn giữ cái không khí Tết quê gắn với phong tục truyền thống của ông bà xưa để lại.
Không chỉ có dưa món, chị Hà khoe còn làm cả bánh mứt truyền thống. “Vì bây giờ mua bánh trái bên ngoài sợ lắm nên chịu khó làm ra để trước cúng ông bà, sau cho con cháu dùng cho yên tâm” - Chị giải thích thêm cho tôi, khi đồ rằng chắc chắn tôi sẽ hỏi "sao không mua bánh mứt làm sẵn cho tiện".
Hôm nay đã là hai mươi mấy của tháng Chạp rồi. Đường phố Kon Tum đã được trang trí rực rỡ cờ, hoa. Đi đến đâu cũng cảm nhận được không khí náo nức đón chào mùa xuân đang về mà tôi thấy lòng thêm rạo rực, thêm niềm vui, vì chỉ mấy ngày nữa thôi mình cũng sẽ được về quê ăn Tết cùng gia đình.
|
Thú thật, sống và làm việc ở đây gần chục năm rồi nhưng những ngày gần Tết tôi chỉ chực chờ để về quê ăn Tết cùng gia đình nên cũng không có ý định ra chợ hoa mua sắm hoa cảnh.
Nghe chị hàng xóm tôi nói, mấy năm trước đây, thành phố Kon Tum chỉ có một điểm chợ hoa xuân trải dọc 2 trục đường Bà Triệu và Nguyễn Viết Xuân. Từ dịp Tết năm ngoái đến năm nay, chợ hoa mở rộng thêm một điểm nữa, kéo tới tận đường Trần Phú nối dài. Thế là tôi quyết định ghé chợ hoa xuân thành phố Kon Tum "ngó nghiêng" cho biết.
Người dân Kon Tum ngoài nổi tiếng với việc trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, mì, cũng nổi tiếng với nghề trồng rau, hoa.
Từ tháng 11 âm lịch, mỗi lần đi làm về buổi tối, dọc các tuyến đường nội thị như Thi Sách, Hồ Tùng Mậu hay men theo những con đường ở vùng ven thuộc các phường Thắng Lợi, Trường Chinh, nhà vườn nào cũng thắp đèn sưởi ấm cho hoa cúc.
Ra đến các xã, phường ngoại thành thành phố như Nguyễn Trãi, Đoàn Kết, sáng hay chiều cũng đều thấy nhà vườn trồng hoa lay ơn, thược dược chăm bẵm, tưới tắm cẩn thận cho từng cây hoa để chờ đón mùa xuân mới.
Mấy tuần nay, chị Phượng - con dâu bà Ba - nhà vườn trồng hoa ở Đoàn Kết cho biết mẹ chị lo đến mất ăn mất ngủ, chỉ vì cái vườn hoa lay ơn của mình. Bây giờ, còn mấy ngày nữa là đến Tết, nhìn những cây lay ơn cứng cáp, cho nhiều nụ hoa mập mạp đu bám thân cây chực chờ “nở nhụy khai hoa”, bà Ba mới thật sự yên lòng.
Thông thường, cứ hai mươi hai tháng Chạp âm lịch, nhà vườn Kon Tum đã mang những chậu hoa ra chợ hoa xuân để bán. Rồi hoa từ các nơi khác như Gia Lai, Phú Yên, Đà Lạt và các tỉnh miền Bắc cũng đổ dồn về khiến chợ hoa Tết ở Kon Tum vốn sắc màu đã rực rỡ lại càng rực rỡ "muôn hồng ngàn tía".
Người ta nói dân Kon Tum là “dân góp” từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam, vì thế mà loài hoa vốn được ưa chuộng để trưng trong ngày Tết theo đặc trưng của mỗi vùng miền cũng đều có mặt ở Kon Tum.
Mai vàng ở Kon Tum hay các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Gia Lai nhiều vô kể, với đủ loại: 5 cánh, 6 cánh, 12 cánh, mai bon sai… Dù vận chuyển khó khăn nhưng mới ngày hai mươi hai, hai mươi ba âm lịch, những chậu đào Nhật Tân ở tận miền Bắc cũng đã có mặt ở Kon Tum.
Tô điểm sắc màu cho chợ hoa xuân ở thành phố Kon Tum, hoa Măng Đen (huyện Kon Plông) cũng được tấp nập vận chuyển vượt gần 50 cây số về thành phố để bày bán. Nhìn những chậu cúc đại đóa, hoa ly ly, hoa đồng tiền ở xứ sở được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam, quanh năm tiết trời mát mẻ quả thật cũng không thua kém gì hoa Đà Lạt thì bất kỳ người dân Kon Tum nào cũng dậy lên niềm vui chen lẫn tự hào; nhất là khi được biết thương hiệu "Hoa Măng Đen" đã góp mặt trên thị trường hoa trong nước…
Năm nào, anh Niệm – nhà vườn trồng hoa ở phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) mà chúng tôi quen biết cũng lo ngay ngáy vì sự thất thường của thời tiết khiến vườn hoa nhà anh luôn "bung nụ sớm" phải "bán đổ, bán tháo". Năm nay, chăm được những chậu hoa ly, hoa thọ đúng Tết, vợ chồng anh rất mừng. Nhìn nụ cười hớn hở của đôi vợ chồng có thâm niên với nghề trồng hoa tất bật mang những chậu hoa đầy nụ e ấp dưới nắng xuân ra chợ hoa mà tôi bất chợt vui lây.
Tôi chạy xe máy ra chợ lớn dự định mua ít quà để chuẩn bị về quê cúng ông, bà và biếu bà con họ hàng. Dắt được chiếc xe vào gửi ở bãi giữ xe bên hông chợ cũng toát hết mồ hôi. Chị giữ xe bảo, mấy ngày nay, Tết cổ truyền sắp đến, chợ đông người đến mua sắm lắm.
Tôi rảo bước. Mấy chị chủ sạp bán quần áo, giày dép, bánh mứt luôn miệng mời chào. Người dân ở các huyện đổ về mua sắm khá đông.
Chị Hòa thấy tôi mân mê mấy đôi giày ở hàng giày dép, chị gọi giật lại trò chuyện. Lâu ngày gặp nhau, chị kể chuyện không ngớt, nhất là nỗi niềm vừa mừng vừa lo của mẹ con chị khi còn vài ngày nữa là về quê ăn Tết cùng gia đình.
Quê chị Hòa ở tận miền Bắc. 5 năm rồi chị không về quê ăn Tết được một phần vì nuôi con nhỏ, một phần vì phải thường xuyên gửi tiền về lo thuốc thang cho bố mẹ nên kinh tế cũng eo hẹp mà dịp Tết thì tiền tàu xe luôn đắt đỏ. Năm nay, nghe bố chị gọi điện thúc giục phải về nên chị cố gắng thu xếp.
Lo lắng tiền bạc, quà cáp cho gia đình, người thân nhưng trông nét mặt của chị Hòa vẫn rất hớn hở, vì lâu lắm rồi chị mới được về quê ăn Tết cùng gia đình. Tôi nghĩ mà thấy thật thương cho chị và cũng đồng cảm với nỗi lo của nhiều người đi làm ăn xa quê mỗi khi Tết đến xuân về.
Nhớ lại cách đây chừng một tháng, tôi tình cờ gặp chị Tươi đồng hương với mình, từ tỉnh Bình Định lên đây bán tàu hủ dạo. Người phụ nữ 52 tuổi, dáng người mảnh khảnh cho biết, vì ở quê bão lụt, mùa màng thất bát nên mới lên Kon Tum mưu sinh để mong có tiền gửi về quê lo cho con cái học hành và lo cho cả cái Tết này nữa.
Ngày thường, chị Tươi bảo chị chỉ bán buổi sáng rồi về nghỉ ngơi vì chị bị đau cột sống, nhưng những ngày giáp Tết thì chị tăng cường bán cả ngày để mong kiếm thêm thu nhập…
Thật thương cho chị, bởi mỗi ngày, dù phải rong ruổi khắp nẻo đường, ngõ hẻm nhưng người phụ nữ này cũng chỉ kiếm được từ 100.000-150.000 đồng.
Cách đây mấy tối, tình cờ dừng xe trên đường phố Trần Hưng Đạo, tôi lại gặp người phụ nữ này bê rổ đựng phong bao lì xì và những thứ trang trí ngày Tết bán bên đường.
Gặp tôi, chị Tươi cố nở nụ cười để giấu đi sự mệt mỏi. Sau mấy câu hỏi thăm sức khỏe, chị mời tôi mua hàng. Chị bán những sợi chỉ đỏ kết nối hình đồng tiền, nén vàng, dây pháo, phong bao lì xì… rực rỡ sắc màu với giá từ 10.000-50.000 đồng (tùy loại). Chị Tươi cho biết mỗi sản phẩm bán ra kiếm lời vài ngàn đồng. Thế nhưng, chị bảo chị không nề hà bởi Tết đến mới có nhiều cơ hội để buôn bán kiếm tiền hơn nên phải ráng cố gắng…
Sắc xuân đang về, cuộc sống muôn màu đan xen những cảm xúc. Nhưng có một điều hết sức đặc biệt đó là, dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, mọi người cũng đều hướng về Tết cổ truyền của dân tộc, hướng về quê hương, nguồn cội với tất cả tình cảm thiêng liêng.
Tú Quyên