Sa Thầy: Để an toàn thực phẩm không còn là nỗi lo
Vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng của huyện Sa Thầy đã có kế hoạch hành động quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ sức khoẻ người dân.
Ông Nguyễn Tiến Dụng - Trưởng phòng Y tế huyện cho biết: Thực tế trên thị trường thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản từ rau củ đến thịt cá khi đến tay người tiêu dùng đều chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận không nhỏ người sản xuất, kinh doanh về trách nhiệm với sức khỏe người dân còn thấp, kiến thức tiêu dùng của không ít người dân còn hạn chế nên các loại thực phẩm, rau củ không an toàn vẫn có con đường đến tay người tiêu dùng.
Trước vấn nạn này, UBND huyện Sa Thầy đã chỉ đạo quyết liệt kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Huyện đã thành lập tổ công tác đặc biệt gồm các ban, ngành liên quan của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra thực phẩm lưu hành trên thị trường, nhất là thực phẩm tươi sống; dịch vụ ăn uống.
Việc làm này được thực hiện rất nghiêm ngặt, trung bình mỗi tuần tổ công tác thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ như chợ trung tâm huyện, chợ xã Rờ Kơi, chợ xã Sa Bình và chợ Ya Xiêr từ 3 – 4 lần, 1 quý kiểm tra các nhà hàng, quán ăn ít nhất 1-2 lượt; chưa kể các đợt kiểm tra đột xuất...
|
Phương pháp kiểm tra không phải theo kiểu hành chính, bằng cảm quan mà tất cả đều được lấy mẫu kiểm nghiệm rất chặt chẽ để đảm bảo độ chính xác; kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương nâng cao ý thức trong việc chấp hành quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nêu cao lương tâm, trách nhiệm với người tiêu dùng.
Trong một chuyến công tác, chúng tôi có dịp theo chân Đoàn kiểm tra tại chợ trung tâm huyện Sa Thầy mới thấy rõ quy trình kiểm nghiệm được các lực lượng chức năng thực hiện rất nghiêm túc từ khâu lấy mẫu, ghi mẫu, tiến hành các bước test sản phẩm. Tất cả các mặt hàng từ rau củ đến thịt, cá đều được kiểm tra.
Theo đó, đối với mặt hàng rau, củ được kiểm tra về chỉ số tồn dư chất hoá học (hàm lượng Nitrat) và thuốc bảo vệ thực vật; các mặt hàng thịt sống kiểm tra về dư lượng thức ăn công nghiệp và chất tạo nạc; các loại giò chả, bún phở kiểm tra về hàm lượng hàn the, chất bảo quản, tẩy trắng; cá biển kiểm tra về hàm lượng Nitrat... Các tiểu thương tại chợ dường như cũng đã quen với việc làm này nên tất cả đều vui vẻ phối hợp.
Theo đánh giá của tổ công tác đặc biệt quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện Sa Thầy, quá trình kiểm tra cho thấy, đáng báo động nhất là vấn nạn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học trên các mặt hàng rau củ, nhất là các mặt hàng như dưa leo, bắp sú, hành tây, khổ qua, đậu cove...
Từ tháng 6/2016 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện và xử phạt 31 hộ kinh doanh vi phạm quy định về tồn dư chất bảo quản, hàm lượng Nitrat, thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ, đã tiến hành tiêu huỷ gần 200kg sản phẩm vi phạm, xử phạt hành chính 7 triệu đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dụng, để kiểm tra các mặt hàng trước khi hàng hoá được phân phối rộng ra thị trường, lực lượng chức năng phải đi từ 4 – 4h30’ sáng. Qua quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm, hộ nào mắc lỗi lần đầu sẽ được nhắc nhở; nếu vi phạm lần thứ hai thì sẽ xử phạt hành chính ở mức độ cao nhất và công bố thông tin trên loa phát thanh của các chợ để đảm bảo tính răn đe; nếu tiếp tục tái phạm thì sẽ đề nghị cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh; song trên thực tế, chưa có hộ kinh doanh nào vi phạm tới lần thứ 3.
Bà Trần Thị Bích Thuỷ - hộ kinh doanh thịt tại chợ trung tâm huyện Sa Thầy cho biết: Lúc đầu, thấy ngành chức năng liên tục kiểm tra tôi cũng ái ngại, sợ rằng khách hàng nghĩ mình làm ăn không đàng hoàng nên mới bị kiểm tra, rồi nếu không may mà phát hiện có chất cấm trong thịt thì mất khách. Tuy nhiên, khi nghe lực lượng chức năng giải thích mục đích của việc kiểm tra, tôi rất ủng hộ. Bây giờ, tôi lại mong các đơn vị thường xuyên kiểm tra để tôi yên tâm bán hàng cho người dân.
Bên cạnh đó, huyện Sa Thầy cũng tiếp tục tập trung hướng dẫn và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 1 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn và tại chợ trung tâm huyện đã bố trí hẳn một khu bán rau đã được kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ để người dân có cơ sở lựa chọn; các mặt hàng thịt đều được giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung của huyện để đảm bảo vệ sinh, kiểm dịch thú y trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Việc tăng cường công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện Sa Thầy đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.
Bà Nguyễn Thị Nhung (tổ 1, thị trấn Sa Thầy) bày tỏ: Người dân chúng tôi khi ra chợ không thể phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm bẩn nên khi thấy lực lượng chức năng làm gắt về vấn đề này, chúng tôi mừng lắm. Có như vậy, những người buôn bán mới có trách nhiệm về hàng hoá bán ra. Bây giờ, sáng đến xách làn đi chợ, tôi thấy tự tin hơn rất nhiều.
Việc siết chặt quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm của lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Sa Thầy đã góp phần đảm bảo mỗi sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng ngày càng được an tâm hơn về chất lượng, độ tin cậy.
Tuy nhiên, để an toàn thực phẩm không còn là nỗi lo; đi đôi với các giải pháp quyết liệt của các cấp, các ngành; mỗi tổ chức, cá nhân kinh doanh cần tiếp tục nâng cao ý thức, sản xuất nông sản bằng cả chữ tâm vì sức khỏe của cộng đồng.
Thuỳ Hương