Rộn ràng vui tết, xin lộc đầu năm
Sau thời khắc giao thừa và ngày mùng Một đầu xuân Đinh Dậu, rất nhiều gia đình đi lễ đình, chùa hay viếng người thân ở các nghĩa trang. Tất cả với nụ cười thân thiện, mang lòng thành cầu có sức khỏe, an bình và sum vầy đầm ấm trong năm mới..
Tâm nguyện ước mong sức khỏe, an lành
Ngày đầu xuân, nhiều người về các đình, chùa cầu sức khỏe, bình an hay đến nghĩa trang dâng hương, viếng người thân đã mất. Đây là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam nhớ về cội nguồn, hướng lòng thành với ước nguyện cầu an lành, may mắn trong năm mới.
Trò chuyện với chị Vân và được biết, chị cùng chồng và 2 con nhỏ ở tận khu phố 7, thị trấn Đăk Tô đã có mặt ở ngôi chùa Tháp Kỳ Quang (huyện Đăk Hà) từ 8h sáng mùng Một Tết. Theo lời chị Vân, bố mẹ của chị ở tận Thái Bình. Năm 1980, cả nhà vào huyện Đăk Tô sinh sống. Hàng năm, người thân vẫn giữ nếp sinh hoạt đi chùa cầu may mắn, an lành cho gia đình trong ngày đầu xuân mới. Sau khi lập gia đình năm 2010 đến nay, chị giữ nếp sinh hoạt ngày tết như thời con gái, là vào ngày mùng Một Tết đều cùng chồng, các con đi lễ chùa. Nét đẹp này được chồng chị ủng hộ và nào cũng chở cả gia đình đi xin “lộc” đầu năm.
Như mọi năm, thay vì đi vãn chùa gần nhà ở huyện Đăk Tô, vợ chồng chị quyết định đưa các con đến chùa Tháp Kỳ Quang ở huyện Đăk Hà vừa thắp hương khấn gửi ước mong mưa thuận gió hòa cho mùa màng, sức khỏe cho gia đình và cho cả người thân. Đồng thời, cả gia đình cũng tranh thủ dạo chơi thăm cảnh đẹp nơi đây. Chị bảo, nhìn dòng người ăn mặc đẹp, ra vào đông đúc, nói cười vui vẻ cũng thấy không khí xuân ngập tràn.
|
Khác với gia cảnh chị Vân, Cô H (ở thành phố Kon Tum) quanh năm buôn bán ở trung tâm thương mại Kon Tum. Cô H có người thân mất gần chục năm và được chôn cất ở nghĩa trang nhân dân thành phố Kon Tum. Vào dịp tết, các con của cô H đi làm ăn xa về sum vầy nên cả gia đình đi viếng mộ người thân.
“Năm nào cũng vậy, mùng Một tết, việc đầu tiên của gia đình tôi là tập trung về nhà cha mẹ thắp hương bàn thờ gia tiên với hy vọng rước được phước lộc cho dòng tộc. Tiếp đến, mọi người đến nghĩa trang để viếng ông bà, người thân đã đi xa. Điều này thể hiện sự kính trọng, yêu thương và tưởng nhớ người thân trong gia đình đã mất; còn là đạo đức, bổn phận của một người con, người cháu tưởng nhớ công lao của những người đi trước, mới có các thế hệ con cháu sung túc hôm nay…” - cô H nói về ý nghĩa của ngày tết đầu tiên sum vầy gia đình của mình.
Với nhiều người “lộc” xuân, không chỉ có vật chất đủ đầy là của cải tiền bạc, mà nhiều người như chị Vân, hay cô H chọn món quà đầu năm bằng sự đoàn viên, giữ gìn và dạy bảo con cháu có những việc làm hướng về phong tục, cội nguồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt rất đáng được trân trọng giữa mùa xuân này.
Tình nguyện hướng dẫn lễ chùa, tảo mộ xuân
Trong dòng người tấp nập ở các điểm đình, chùa, viếng nghĩa trang nhân dân, có không ít những tình nguyện viên hướng dẫn cho mọi người di chuyển phương tiện giao thông thuận lợi, tránh ách tắc đi lại đầu xuân mới; hay cách thức thắp hương, thăm, ngắm cảnh đẹp xung quanh đình, chùa.
Tại chùa Tháp Kỳ Quang, thoạt nhìn chị L.H.H cứ ngỡ là khách viếng, xin lộc đầu may mắn. Tuy nhiên, thấy có cụ già gần 70 tuổi đến chùa cần người phụ giúp việc xách hương hoa, chị H nhanh nhẹn chạy đến giúp và đưa cụ vào tận chính điện thắp hương dâng Phật.
Chị H cho biết, chị là phật tử ở chùa, ngày thường hay lễ tết cũng tự nguyện làm việc này. Chị H nói: Ở đây, nhiều chị em, các cháu thanh thiếu niên thường xuyên sinh hoạt ở chùa vẫn tự giác nhận lãnh công việc chỉ dẫn, đốt hương giúp mọi người chưa quen khi đến thăm viếng, dâng hương ở chùa. Ai cũng xem đây là việc tự rèn luyện, giáo dục bản thân sống hòa đồng, giúp đỡ người khác nên cảm thấy vui, cuộc sống có ích, có ý nghĩa hướng thiện nhiều hơn…
|
Chung suy nghĩ với chị H, anh Ng.C.H. – nhân viên quản trang ở nghĩa trang nhân dân thành phố Kon Tum đã có hàng chục năm liền hỗ trợ lực lượng Cảnh sát Giao thông phân luồng các phương tiện giao thông dọc tuyến đường vào địa điểm này vào những ngày tết. Anh H tâm sự, việc làm của bản thân có một phần vì nhiệm vụ được giao đảm bảo an ninh trật tự khu vực bên ngoài quản trang, phục vụ nhân dân đến viếng nghĩa trang văn minh, lịch sự và có trật tự.
Nhưng ngày tết, ai cũng muốn vào sớm, có chỗ đậu đỗ xe ô tô, hay xe máy nơi thoáng mát, nên không khỏi có tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông dọc 2 tuyến đường bên ngoài nghĩa trang, còn bên trong thì xe chiếm dọc đường lối đi chung… Những lúc như thế, nhân viên phụ trách trật tự như anh H lại ngược xuôi hướng dẫn, phụ giúp người dân sắp xếp xe cộ ngăn nắp, đến nhắc nhở mọi người chú ý đi đứng an toàn khi ra vào các khu vực trong và ngoài nghĩa trang.
Qua tâm sự của nhiều người tình nguyện, những việc làm trên vào những ngày tết có bận rộn, mệt hơn thường ngày, nhưng họ vẫn vui vì được làm điều có ích, điều tốt và đây cũng là hình thức mang điều may mắn, sự phước đức và an lành vào những ngày đầu năm mới Đinh Dậu này.
Mai Trâm